Gặp mặt các nhà ngoại giao nữ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ

(VOV5) - Phụ nữ Việt Nam với nghề trồng dâu nuôi tằm đã có nhiều đóng góp cho xã hội, trong đó có thể kể đến tạo điều kiện học tập cho trẻ em gái.
Gặp mặt các nhà ngoại giao nữ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ - ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: VOV

Hôm qua, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà ngoại giao nữ nhân kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2023). Chương trình do Ban nữ công Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm phụ nữ cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương và Thương hiệu lụa De Silk tổ chức nhằm tôn vinh và khẳng định vai trò quan trọng của nữ giới trong phát triển kinh tế, xã hội.

Sự kiện là dịp để các nữ đại sứ, phu nhân đại sứ, nữ đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tìm hiểu về ngành trồng dâu nuôi tằm cùng các sản phẩm lụa tơ tằm cao cấp của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia hàng đầu về phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm và xuất khẩu các sản phẩm lụa tơ tằm.

Phát biểu tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tại Việt Nam, chia sẻ: "Văn hoá có thể là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng trong xã hội. Theo tôi được biết, lụa tơ tằm đóng vai trò quan trọng trong đời sống, văn hoá và kinh tế tại Việt Nam và đã trở thành biểu tượng cho nữ quyền, đi cùng nhiều phong trào vì nữ giới. Phụ nữ Việt Nam với nghề trồng dâu nuôi tằm đã có nhiều đóng góp cho xã hội, trong đó có thể kể đến tạo điều kiện học tập cho trẻ em gái. Hướng đến tương lai, tôi hy vọng ngành lụa tơ tằm Việt Nam sẽ tiếp tục trải đường cho sự bình đẳng và thịnh vượng cho thế hệ mai sau".

Đặc biệt, tại sự kiện, các vị khách tham dự cũng có cơ hội trải nghiệm các công đoạn kéo tơ dệt lụa, trồng dâu và ươm tơ….
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác