(VOV5) - Không lo sợ trước tình trạng xâm nhập mặn, các đơn vị và cá nhân bằng những nghiên cứu khoa học và sự trợ giúp của các lực lượng góp phần khắc phục khó khăn hiện nay.
Hạn mặn xảy ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Không lo sợ trước tình trạng xâm nhập mặn, các đơn vị và cá nhân bằng những nghiên cứu khoa học và sự trợ giúp của các lực lượng góp phần khắc phục khó khăn hiện nay.
Nghe âm thanh tại đây:
Có một nữ tiến sĩ là người con Bến Tre, quê hương của vùng đất nhiễm mặn cao, đã dành cả sự nghiệp nghiên cứu khoa học cho cây lúa. Bà là Phạm Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu di truyền và giống, một trong ba gương mặt được nhận giải thưởng L’Oreal 2019 cho các nhà khoa học nữ. Tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Hirosima( Nhật Bản), tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà trở về quê hương tiếp tục công việc nghiên cứu về các giống lúa. Nhận thức được vùng dồng bằng sông Cửu Long luôn phải chịu tình trạng hạn mặn xâm nhập, bà đã tiến hành đề tài nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn. Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà chia sẻ về đề tài này như sau:Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn rất nhiều, mặn đi kèm với hạn nên nông nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn. Chương trình tạo giống lúa chịu mặn này là cả một quá trình. Mình cố gắng nghiên cứu để tạo ra những giống nào có thể thích nghi để cải thiện năng suất cho người nông dân. Đề tài này ứng dụng công nghệ chọn lọc bằng macro phân tử để chọn lọc ra các dòng mà mang gen chống chịu mặn, sau đó mình triển khai thử nghiệm ở các vùng nhiễm mặn như Bến Tre, Cà Mau…những vùng có độ mặn rất cao.
Tiến sĩ Phạm Thu Hà cùng các đồng nghiệp đã lai tạo thành công giống lúa OM6600, được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia năm 2011. Ảnh: tuoitre.vn |
Những nỗ lực của tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà nhiều năm qua đã giúp tạo ra những giống lúa không chỉ cho những vùng đất nhiễm mặn mà còn cho nhiều vùng sinh thái khác nhau, góp phần ổn định nông nghiệp. Nhận thức được sự phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung ở những vùng đất nhiễm mặn phụ thuộc vào các loại cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi, các nhà khoa học đã không ngừng tìm tòi, tạo ra những cây, con giống có khả năng phát triển ở những khu vực này. Trường Đại học Cần Thơ nhiều năm qua đã thực hiện nhiều đề tài và dự án hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy sản, tạo ra được nhiều loại con giống có thể phát triển trong môi trường hạn mặn, đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất của người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, người đã trực tiếp chỉ đạo nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản cho biết:Trường Đại học Cần Thơ có khá nhiều dự án về thủy sản liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo ra những nghiên cứu kết quả cho những đối tượng nuôi của mình thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu về con cá tra có thể chịu được độ mặn, khi mặn vào thì mình có thể có giống ngay để có thể thích ứng. Biết được con cá nào, con tôm nào chịu đựng được biến đổi khí hậu như nhiệt độ cao, độ mặn, khả năng kiểm soát môi trường hoặc là tạo được kiến thức nuôi cá tra trong môi trường chịu mặn thì hiện nay dân sử dụng rất tốt.
Chế biến cá tra theo tiêu chuẩn xuất khẩu tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: baocantho.com.vn |
Nhờ những nghiên cứu của các nhà khoa học, người dân đã được cung cấp các loại cây, con giống phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, hàng năm, hạn mặn xâm nhập đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống vì tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước cho cây, con giống. Để giúp người dân vượt qua thời điểm này, lực lượng thanh niên tình nguyện đã kịp thời bằng hành động của mình giúp bà con khắc phục những khó khăn, để ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn nói về những hoạt động của đoàn viên thanh niên ở vùng bị xâm nhập mặn như sau:Có một điều lưu ý là hoạt động đoàn viên thanh niên hỗ trợ cho bà con ở Bến Tre, Bạc Liêu những vùng bị hạn hán và ngập mặn. Các bạn chở nước bằng sà lan, rồi chuyển xuống xe kéo để bơm vào các bồn ở trên các xe kéo rồi đi từng nhà cung cấp nước ngọt cho bà con.
Nhiều thùng nước lọc vận chuyển đến phân phát cho người dân. |
Để giải quyết những vấn đề ở khu vực bị hạn mặn, chính người dân nơi đây phải tự tìm ra hướng đi, cách giải quyết hiệu quả. Bằng chính nỗ lực của mỗi người, cộng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, hạn mặn không còn là vấn đề nan giải mà ngược lại, con người có thể sống chung và chiến thắng được khi mặn xâm nhập.