(VOV5) - Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, hạ tầng, quy hoạch kiến trúc đô thị...
Sáng nay (29/03), tại kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này sẽ được trình Bộ Chính trị và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.
Tại kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VOV |
Quy hoạch đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước; là trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước...
Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).
Quy hoạch Thủ đô cũng đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, hạ tầng, quy hoạch kiến trúc đô thị…