(VOV5) - Bà Vũ Thị Đạt kể: được giao phụ trách công tác lễ tân của Phái đoàn đối với bà vừa là niềm vinh dự, vừa là một thử thách hết sức lớn lao.
Trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam đân chủ cộng hòa tham gia Hội nghi Paris năm 1968, có một nhân viên nữ duy nhất phụ trách công tác lễ tân cho đoàn, đó là bà Vũ Thị Đạt.
Bà Vũ Thị Đạt kể: được giao phụ trách công tác lễ tân của Phái đoàn đối với bà vừa là niềm vinh dự, vừa là một thử thách hết sức lớn lao.
Đã ngoại 90, gương mặt phúc hậu của bà Đạt vẫn đẹp những nét của người phụ nữ một thời nhan sắc. Nhắc lại những tháng ngày khó quên trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định Paris năm 1973, giới ngoại giao vẫn nhớ tới “phái đoàn 37”, tức là đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi dự Hội nghị Paris, là phái đoàn được thành lập gồm 37 người, chủ yếu là cán bộ ngoại giao, nên thường được trong giới gọi tắt là “phái đoàn 37”, do ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn. Ngày 9/5/1968, Đoàn 37đến Paris. Tại đây, Tổng đại diện Mai Văn Bộ cùng đông đảo Việt kiều đã chờ đón đoàn cùng cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ chào mừng. Ngay khi đến nơi, với vai trò là phụ trách lễ tân, bà Đạt đã phải bắt tay ngay vào thực hiện một số lượng công việc khổng lồ mà trước đó bà không thể hình dung nổi. Vì đây là Phái đoàn hết sức quan trọng nên mọi hoạt động trao đổi trong - ngoài và ngược lại đều phải thông qua Lễ tân.
Bà nói, lễ tân tuy thế, nhưng là quan hệ giữa giữa hai đoàn, giữa hai nước, xảy ra điều gì thì không thể sửa chữa được, vì thế bà phải có gắng hết sức mình: “Vì tôi đi trong phái đoàn Thành phố Pari thật hoa lệ nhưng mọi thứ xa hoa cũng vậy thôi, mình không mơ màng gì đến nó mà chỉ nghĩ đến công việc. Nghĩ đến công việc thì cũng lo lắm, vì tôi ở nhà cũng công tác lễ tân nhưng khác, sang Pari lại khác. Một phái đoàn lớn của mình sang, xung quanh máy móc đều tiên tiến. Mình ở nhà một phòng đón tiếp của Bộ ngoại giao cũng chỉ 2,3 cái điện thoại, mà 2,3 cái điện thoại là 2,3 người ngồi đấy quản lý, trong khi đó đến Pari (cả 1 đoàn lớn) lại chỉ có một mình, tất cả mọi người không ai được trực tiếp tiếp xúc mà đều phải thông qua lễ tân, thành ra mình tôi điều khiển một lúc 4-5 cái điện thoại, nói không kịp thở.”
Rất vui khi nhớ về những ngày tháng không quên của đoàn, bà Vũ Thị Đạt bảo: Tuy chỉ công tác tại Đoàn 37 tại Paris trong thời gian hơn 2 năm, nhưng những ngày tháng đó đã để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc đời cũng như sự nghiệp làm lễ tân ngoại giao của bà. Khó khăn rất nhiều, nhưng cái đọng lại là niềm vui: “Điều tôi nhớ nhất là khi Bộ Ngoại giao bạn mời lên làm việc, khi xuống khách sạn đã thấy bao nhiêu phóng viên túc trực ở đấy rồi. người ta cứ giữ mình lại để người ta phỏng vấn, tôi nói bận việc phải lên Bộ Ngoại giao, sau khi tôi về các vị muốn gì thì tôi tiếp. Lúc ấy tôi không biết là họ lại chụp cho tôi 1 cái ảnh, mà đến tối về đoàn, lúc ăn cơm thì có cái cậu phục vụ bàn để vào một cái khay, mang cho tôi một tờ báo, tưởng là báo hàng ngày cung cấp cho mình thì mình đọc, mà mở ra thì rất bất ngờ ở tờ báo Nước Pháp buổi chiều chụp tôi rất lớn ở trang đầu tiên. Tờ báo bây giờ tôi vẫn còn giữ. Công việc thì khác hẳn trong nước, nó bận rộn nhưng vui lắm.”
Bà Vũ Thị Đạt (ngồi ngoài bên phải), cùng các chị em trong gia đình |
Hình của bà được đăng trang trọng trong chuyên mục dành riêng cho Hiệp định Paris. Bức ảnh được chú thích: "Người thiếu phụ có nụ cười e lệ vừa ra khỏi khách sạn Lutétia giữ nhiều trọng trách kể từ khi bắt đầu cuộc đàm phán sơ bộ, đó là bà Đạt -phụ trách lễ tân của đoàn Bắc Việt Nam". Bài báo ngày nào vẫn được bà giữ như một kỷ niệm về những ngày đoàn Việt Nam lả tiêu điểm quan tâm cuả báo chí Pháp và quốc tế.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, là con gái cụ Vũ Quýnh - vốn làm việc cho Sở Tài chính Đông Pháp, được học hành cẩn thận nên bà Vũ Thị Đạt rất giỏi tiếng Pháp. Năm 1955, bà về công tác tại Bộ Ngoại giao và làm văn thư cho Vụ Các nước Dân chủ Nhân dân và Xã hội Chủ nghĩa. Sau này, được đào tạo thêm tiếng Anh, nên công tác Lễ tân, bà sử dụng cả hai thứ tiếng. Bà kể, năm 1968, khi đã làm hơn 10 năm tại Vụ lễ tân, Bộ Ngoại giao. bà Đạt bất ngờ nhận được quyết định tháp tùng đoàn đàm phán đi Paris: “Còn bé tôi đi học ở trường người ta đều dạy bằng tiếng Pháp. Tôi học ở trường Đồng Khánh mà bây giờ là Trưng Vương, dạy học trò toàn dạy bằng tiếng Pháp. Giao thiệp hay tiếp xúc, bài vở trong lớp đều nói bằng tiếng Pháp chứ không nói tiếng Việt. Từ đấy quen. Qua 9 năm kháng chiến rồi đi kháng chiến, ở hậu phương không dùng đến nó. Nhưng hết 9 năm kháng chiến rồi, khi tôi đang làm việc ở Ủy ban hành chính tỉnh Phú Thọ, thì có công điện của Bộ Ngoại giao, điện lên Ủy ban tỉnh xin cho tôi về làm việc tại Bộ Ngoại giao, nói rằng Bộ Ngoại giao đang đi tìm cán bộ biết ngoại ngữ để đưa về Bộ. Tôi rời Phú Thọ về Bộ Ngoại giao từ 1955 hòa bình lập lại."
Sau thời gian là thành viên Đoàn 37 tại Paris (từ tháng 5/1968 đến hết 1970), bà Vũ Thị Đạt trở về công tác tại Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao) cho đến khi nghỉ hưu. Đối với bà, những năm tháng được tham gia làm công tác phục vụ cho đoàn đàm phán, góp phần vào việc hòa bình, thống nhất chung, là hạnh phúc không thể quên.