“Ông Ké” trong lòng người dân Pác Bó, Cao Bằng

(VOV5) - Ông Ké, có người lại gọi là Già Thu. "Ông Ké", dịch nghĩa tiếng Tày nghĩa là "Ông Già", thường được gọi theo nghĩa thân mật trìu mến.

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chú tịch Hồ Chí Minh trở về Việt Nam và đặt chân đến vùng đất Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Kể từ dạo đó hình ảnh “Ông Ké” giản dị, ân cần, hết mực yêu thương đồng bào vẫn luôn ghi dấu trong trái tim người dân Pác Bó, Cao Bằng. 

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Thời điểm đó, Pác Bó bản làng xác xơ, đồng bào ăn không đủ no, áo không đủ ấm… Giữa lúc đó, làng Bó Bẩm xuất hiện một người khách lạ. Dáng ông cao, gầy, gương mặt rất phúc hậu. Không ai biết người khách tên gì, chỉ thấy người ta gọi là Ông Ké, có người lại gọi là Già Thu. "Ông Ké", dịch nghĩa tiếng Tày nghĩa là "Ông Già", thường được gọi theo nghĩa thân mật trìu mến. Ông Ké về, ông quan tâm đến tất cả mọi người, tắm cho trẻ nhỏ, giúp đỡ người già, dạy thanh niên biết chữ, dạy cách trồng rau, tăng gia sản xuất. Được Ông Ké tuyên truyền, người dân Pác Bó đã giác ngộ đứng lên làm cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, ở Hà Quảng đã thành lập được nhiều tổ chức cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Phong trào cách mạng như đốm lửa Bác thắp lên từ Pác Bó lan rộng khắp cả nước, bùng lên thành bão táp cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ lầm than.
“Ông Ké” trong lòng người dân Pác Bó, Cao Bằng - ảnh 1Cụ Hoàng Thị Khìn ôn lại quãng thời gian Bác Hồ ở Pác Bó

Ở cuối bản là ngôi nhà sàn khang trang của cụ Hoàng Thị Khìn, người cùng chồng là cụ Nông Quốc Phong trực tiếp đưa cơm, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc còn sống, bà Khìn vẫn luôn kể cho con cháu và du khách câu chuyện người dân xóm Pác Bó đồng lòng, quyết tâm bảo vệ “Ông Ké” và đi theo  Cách mạng. "Làm cách mạng khi ấy có các hội như Nhi đồng cứu quốc hội, Phụ nữ cứu quốc hội. Đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở lán Khuổi Nậm, nấu cơm cho Bác ăn. Làm cách mạng không phải có một người đâu, một người làm thì không thành công được, nhiều người lắm, hàng trăm người cùng tập đội ngũ, có cả người Hòa An, Hà Quảng..tham gia huấn luyện quân tự vệ đi theo cách mạng. Ở Khuổi Nậm chúng tôi nấu cơm cho Người, lấy vào ống tre, nấu cháo bẹ, vác trên vai, đưa vào cho tự vệ cùng ăn."

Ông Dương Chí Quân, 75 tuổi, xóm Pác Bó, cũng không giấu nổi niềm xúc động xen lẫn tự hào vì mình là cháu của cụ Dương Đình, người đã gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động cách mạng ở đây: "Theo lời ông cha kể lại, Bác đến tuyên truyền với quần chúng ở Pác Bó lúc nào Bác cũng giấu mặt, ban đêm Bác mới đến. Ở nhà cụ Dương Đình thì cũng ngồi chỗ tối để nói chuyện với nhân dân. Nhân dân chỉ biết là Ông Ké thôi. Đến hòa bình lập lại Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm thì nhân dân mới biết Ông Ké chính là Hồ Chủ tịch. Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, nhân dân Pác Bó ai cũng khóc, nhà nào cũng để tang đúng như một người thân trong gia đình. Mỗi dịp Tết đến xuân về nhân dân Pác Bó cũng luôn hướng về Người nhất là mùng 1 Tết thì lên đền thờ, mang quà đến thắp hương."

“Ông Ké” trong lòng người dân Pác Bó, Cao Bằng - ảnh 2Ông Dương Chí Quân thắp nén hương lên ban thờ gia tiên và Bác Hồ. Mỗi gia đình ở Pác Bó đều thờ Bác như một thành viên trong gia đình.

"Ông Ké", cách gọi kính trọng nhưng cũng thật gần gũi, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một người con của núi rừng Pác Bó, hàng ngày mặc áo chàm, nói chuyện bằng tiếng Nùng, thức ăn cũng chỉ có rau rừng, măng đắng và ốc, cá bắt ở suối như những người dân địa phương. "Ông Ké" dạy chữ cho người dân, chăm lo cho con trẻ, ân cần thăm hỏi từng cụ già. Đó có lẽ cũng là điều khiến người dân Pác Bó tin tưởng tuyệt đối và một lòng theo Cách mạng. Mùa xuân năm 1961, “Ông Ké” trở lại thăm Pác Bó.

Ông Quán Chí Khiêng, người bản Pác Bó, vẫn nhớ như in không khí hôm đó:. "Nhân dân Pác Bó biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị về thăm Pác Bó thì dân làng vui mừng và phấn khởi lắm, người dân đổ ra hai bên đường đón, mong mỏi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, trông thấy Người tận mắt, tận nơi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bộ, mặc bộ quần áo giản dị, một chiếc quần của người già và áo nâu đã phai màu, một đôi dép cao su. Người vừa đi vừa vẫy chào, ai cũng rất phấn khởi vì ai cũng coi Chủ tịch Hồ Chí Minh như người thân về thăm, trước bà con vẫn gọi Chủ tịch là Già Tiên, là Ông Ké mà. Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần thăm hỏi từng người, rồi nói chuyện bằng tiếng dân tộc với từng cụ ông cụ bà.

“Ông Ké” trong lòng người dân Pác Bó, Cao Bằng - ảnh 3Xóm Pác Bó ngày nay đã mang diện mạo của vùng nông thôn mới.

Còn đó nơi đầu nguồn Cốc Bó, dòng suối Lê-Nin rì rào chảy mãi ngày đêm. Từng gốc cây, hòn đá gắn với tháng năm hoạt động của Bác vẫn đang được người dân Pác Bó, trân trọng giữ gìn. Bà Dương Thị Bích Hợp, người dân xóm Pác Bó, chia sẻ: Nhớ ơn Người, nhân dân các dân tộc bản Pác Bó luôn đoàn kết cùng xây dựng bản làng tươi đẹp. Bản Pác Bó hôm nay đã có nhà xây mọc lên san sát, có đường bê tông, điện thắp sáng và cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới: "Bây giờ cả bản Pác Bó nhà nào cũng đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cùng với bàn thờ tổ tiên.  Sau này nhân dân cũng theo tư tưởng của Người, cùng nhau đoàn kết, cùng nhau cố gắng xây dựng quê hương của mình tốt đẹp hơn theo nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước kia."

Những câu chuyện về "Ông Ké" và tình cảm của người dân Pác Bó dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được các thế hệ trong bản truyền lại cho con cháu..., bởi đó là một phần lịch sử đầy tự hào của xóm núi nơi biên cương này. Hơn  81 mùa xuân đã trôi qua, với sự thành kính và nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hình ảnh và những câu chuyện về "Ông Ké" sẽ vẫn được lưu truyền bằng cả sự trân trọng, tự hào, bởi với họ, "Ông Ké" luôn trong tim, dõi theo và khích lệ, động viên mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác