(VOV5) -Kĩ sư Phan Thanh Sang, chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, một trong 10 Thanh niên tiêu biểu Việt Nam năm 2015, là một người có tâm huyết trong việc ươm mầm xanh cho biển đảo Việt Nam.
Hai lần đặt chân lên Quần đảo Trường Sa, bốn năm liên tiếp gửi cây hoa và hạt giống rau cho các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, kĩ sư Phan Thanh Sang, chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, một trong 10 Thanh niên tiêu biểu Việt Nam năm 2015, là một người có tâm huyết trong việc ươm mầm xanh cho biển đảo Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tai đây:
Trao tặng hoa Lan cho đảo Trường Sa |
Trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2018”, Phan Thanh Sang đã có những hành động thiết thực giúp khắc phục hậu quả do cơn bão số 16 gây ra, phá hủy phần lớn cây, hoa và rau trên quần đảo Trường Sa.
Vừa đặt chân tới đảo Trường Sa Lớn, dưới cái nắng chói chang, Phan Thanh Sang lau vội những giọt mồ hôi, lập tức đi thăm vườn rau, vườn lan trên đảo. Hai cơn bão lớn cuối năm 2017 đổ bộ vào quần đảo Trường Sa khiến cho 100% cây xanh trên đảo này ngập chìm trong nước và đổ gãy. Đó là lí do thôi thúc kĩ sư Phan Thanh Sang tiếp tục đăng kí ra thăm quần đảo Trường Sa lần thứ hai.
Cây lan anh tặng năm ngoái đã ra hoa |
“Thật ra mình muốn dành trải nghiệm đi Trường Sa cho nhiều bạn khác thì đi một lần là đủ. Nhưng do cơn bão 16 tràn vào, Trường Sa bị thiệt hại nặng nề, tôi đã đứng ra vận động hỗ trợ được 40 tấn rau và 350 triệu tiền vật chất giá thể trổng rau để các chiến sĩ khắc phục. Qua chuyến đi này, tôi muốn tìm các tư vấn khắc phục hậu quả và các bảo vệ cây, rau cho các chiến sĩ sau cơn bão vùa rồi.” - Thanh Sang nói,
Trước khi đến Trường Sa, Phan Thanh Sang đã tìm hiểu khí hậu và thổ nhưỡng của quần đảo này. Năm 2017, anh được chọn là một trong 10 thanh niên tiêu biểu đi thăm Trường Sa nhờ mô hình trồng rau tiết kiệm nước cho các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Năm đó, anh đã trao tặng rất nhiều giống lan quí như lan hồ điệp, ngọc điểm, lan trầm hương, lan vanda, lan dạ hạt cho đảo Trường Sa Lớn để làm mô hình thí điểm vườn lan với mong muốn các chiến sĩ sau những giờ trực chiến có thể ngắm nhìn, thư giãn, chăm sóc và có cảm giác gần với đất liền. Đây là những giống lan rừng có ở Ninh Thuận được anh nghiên cứu và trồng ngay trong trang trại rộng 19 ha tại Đà Lạt.
“Hôm nay ra trực tiếp thấy thành quả mình tặng năm 2017 mình rất vui. Chậu hoa dừa cạn bên cột mốc chủ quyền ra hoa rất tốt, những chậu hoa lan năm ngoái tặng năm nay lên rất khỏe và thực sự mình rất bất ngờ vì nó còn to hơn cả trong đất liền, trong trang trại của mình. Những vườn rau trên đảo nhờ có sự chăm sóc của các chiến sĩ lên rất tốt. Mình thấy rất vui, tự hào và vinh dự" -, Anh nói,
Thanh Sang và trung tá Xuân Trung |
Mỗi một cây hoa lan, anh Sang đều bó cẩn thận trong những hộp giấy, lót bông nâng niu từng bông hoa, đi kèm với từng loại hoa lan là các loại phân bón riêng. Anh Sang còn hướng dẫn chiến sĩ trên đảo cách chăm sóc từng loại hoa lan. Là người trực tiếp chăm sóc các cây hoa lan mà anh Sang tặng, sau nhiều lần gọi điện trao đổi trực tiếp về kĩ thuật chăm sóc hoa lan, lần này Trung tá Đỗ Xuân Trung, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Lớn mới được trực tiếp gặp anh Sang. Sự nhiệt tình, gần gũi, say mê và tình yêu biển đảo của anh Sang đã khiến cho các chiến sĩ cảm thấy rất ấm lòng. Trung tá Đỗ Xuân Trung chia sẻ :
“Anh Sang là người có tình yêu chân thành với biển đảo. Mỗi khi có tàu ra đảo anh đều gửi cây cảnh, các loại hạt giống, hoa, kèm theo phân bón cho cây. Khi được tiếp quản lại toàn bộ số cây hoa anh Sang tặng, tôi đã trực tiếp chăm sóc, những giống lan phát triển tốt, nhưng do cơn bão số 16 năm 2017 đã tàn phá rất nhiều hoa và cây cảnh anh tặng, do vậy đầu năm nay anh lại tiếp tục tặng giống hoa và cây cảnh cho đảo. Cán bộ chiến sĩ rất trân trọng tình cảm của anh Sang và cố gắng chăm sóc những cây hoa này.”
Chiến sĩ chăm sóc luống rau cải do anh Thanh Sang trao tặng hạt giống |
Phan Thanh Sang còn đang ấp ủ thực hiện dự án kết hợp với vùng 4 Hải quân để xây dựng một qui trình sản xuất rau an toàn, giúp ổn định nguồn thực phẩm rau sạch cho các chiến sĩ sống nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, trong đó có mô hình nhà kính di động theo mùa. Mùa mưa nhà kính sẽ che chắn để hơi mặn không tràn vào, còn mùa khô thì mở ra cho vườn thông thoáng, không bị rệp và côn trùng gây hại. Bên cạnh đó, với cương vị Phó chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng, Phan Thanh Sang luôn muốn tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp thanh niên về tình yêu biển đảo và khởi nghiệp trong thanh niên :
"Tùy điều kiện thời tiết, khí hậu ở đây mình sẽ xây dựng quy trình chuẩn theo hai mùa mưa nắng, theo từng giống rau cụ thể, cái đó mình sẽ tiếp tục kiến nghị với 146 để phối hợp thực hiện quy trình này và mình sẵn sàng tư vấn hỗ trợ, khi đó chuyển giao đến các điểm đảo sẽ phù hợp nhất. Thứ hai, mình sẽ tiếp tục kêu gọi vận động tổ chức, các nhân hàng năm duy trì hỗ trợ cho các chiến sĩ. Ngoài ra mình phối hợp đoàn hội tiếp tục công tác tuyên truyền nhận thức chủ quyền biển đảo cho các bạn đoàn viên, thanh niên. Làm sao để các bạn nhận thức rõ vai trò trách nhiệm những người trẻ, làm chỗ dựa động viên tinh thần cho các chiến sĩ yên tâm công tác."
Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2018 đi qua 10 điểm đảo và nhà giàn, cũng là hành trình gieo hạt mầm xanh của Phan Thanh Sang cho tất cả những điểm mà anh đi qua. Và sẽ còn nhiều hạt mầm xanh nữa mà Phan Thanh Sang tiếp tục tô điểm lên những hòn đảo thân yêu của quần đảo Trường Sa, Việt Nam.