(VOV5) - Tại Việt Nam hiện có hơn 4 vạn di tích, trong đó có hơn 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt.
Sáng nay (22/4), tại thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tổ chức Khoa học chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức diễn đàn bền vững Việt Nam với chủ đề “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”.
Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có hơn 4 vạn di tích, trong đó có hơn 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh và 265 bảo vật quốc gia. Các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ quan trọng thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VOV |
Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, các đại biểu cho rằng cần lồng ghép nhiều giải pháp, trong đó, các địa phương có di sản cẩn quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành các chính sách, chủ trương, kế hoạch hành động cụ thể nhằm phát huy giá trị của di sản. Đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu bảo tồn với yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị: "Để làm sao phát triển bền vững thì chúng ta cần phải đánh giá sức tải của di sản để chúng ta có quy hoạch, định hướng phát triển một cách hài hòa, cân bằng. Chúng ta không thể phát triển một cách thương mại quá mức, không thể phát triển một cách tự phát mà phải có sự cân nhắc, đặc biệt trên nguyên tắc tôn trọng di sản để phát triển một cách bền vững. Phát triển du lịch có trách nhiệm chính là phát triển một cách bền vững, là dựa vào những yếu tố về tài nguyên, văn hóa, làm sao cân bằng hài hòa với sự phát triển của xã hội.