Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam

(VOV5) - Việt Nam đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch, ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử.

Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới, với mục tiêu quy mô ngành bán dẫn đạt 20-30 tỷ USD vào năm 2030, làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đang là ưu tiên hàng đầu.

Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam - ảnh 1 Dây chuyền sản xuất công tơ điện tử đúng tiêu chuẩn. Ảnh tư liệu: Ngọc Hà/TTXVN

Nghe âm thanh tại đây:

 Ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Do sự tái định vị thị trường sau đại dịch COVID-19 và cạnh tranh giữa các nước lớn, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Trước cơ hội lớn, tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Ông Đào Trọng Đô, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết: “Chính phủ có định hướng sẽ hình thành 3 trung tâm vùng ở 3 miền, để tập trung cho các trường đại học ở các vùng học tập các công nghệ mới. Thứ hai, xây dựng trong thời gian đầu khoảng 45 trường được lựa chọn không chỉ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế.”

Đến nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp làm về dịch vụ thiết kế vi mạch, trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước, vùng lãnh thổ phát triển, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan... với lực lượng lao động ước gần 5.000 kỹ sư. Nhiều công ty trong nước cũng bắt đầu gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip,… Dự kiến, năm nay, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam - ảnh 2Ông Trần Trung Tính, hiệu trưởng Đại học Cần Thơ. Ảnh: website Đại học Cần Thơ 

Tuy nhiên, để tham gia sâu hơn vào tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp bán dẫn, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, cũng đang tự mình gấp rút tạo nguồn nhân lực để không bỏ lỡ các cơ hội trong lĩnh vực này. Cụ thể, nhà trường và doanh nghiệp chủ động phối hợp để có đội ngũ kỹ sư trình độ cao. Ông Trần Trung Tính, hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng mời gọi doanh nghiệp đến trường song hành đào tạo các khóa học mà doanh nghiệp mong muốn, cần. Các em vừa học song song chương trình của nhà trường vừa học chương trình của doanh nghiệp, khi tốt nghiệp, các em có thể đáp ứng được công việc ngay.”

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 500-600 kỹ sư ngành vi mạch, chip bán dẫn, cung cấp học bổng cho sinh viên, kỹ sư tài năng. Các chương trình này được doanh nghiệp đánh giá cao, không chỉ đánh dấu nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch mà còn là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Công ty Qorvo Việt Nam, khẳng định: “Chương trình đào tạo đi rất sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ đó, các kỹ sư sau quá trình đào tạo thì có thể có tham gia ngay vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.”

Để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cũng như xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, Việt Nam luôn coi trọng sự hợp tác quốc tế, xác định để thành công và đi xa trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chỉ có thể đi cùng nhau, cùng xây dựng chuỗi giá trị vững chắc. TS. Trần Thế Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, cho rằng: “Hợp tác quốc tế trong đào tạo là hết sức quan trọng. Qua hợp tác quốc tế, chúng ta mới tiếp cận được công nghệ, tiếp cận được với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Ngoài chính sách của chính phủ, chính quyền địa phương, chúng tôi còn hỗ trợ học phí, tạo điều kiện cho các sinh viên học tập thuận lợi hơn trong ngành này.”

Theo nhiều chuyên gia nhận định, người Việt có lợi thế lớn về nguồn nhân lực, với năng khiếu trong các ngành toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học (STEAM). Đây đều là yếu tố căn bản trong việc sản xuất và thiết kế chip bán dẫn.

Việt Nam đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch, ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử, thực hiện mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác