(VOV5) - Công điện đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc bộ và Thanh Hóa đảm bảo toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng.
Trước diễn biến tình hình bão Yagi được dự báo có cường độ rất mạnh, gây mưa lớn, khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó. Nhiều cuộc họp tạm dừng để tập trung toàn lực cho công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão.
Ngành điện đang chủ động các phương án, phối hợp triển khai kế hoạch ứng phó bão. Ảnh: Vov giao thông |
Hôm nay (6/9), tại cuộc họp khẩn trực tuyến với 13 đầu cầu từ khu vực Bắc Trung Bộ đến Bắc Bộ, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu các đơn vị huy động 100% cán bộ công nhân viên khẩn trương kiểm tra lưới điện, đồng thời chuẩn bị phương án sẵn sàng khi mất điện lưới trên diện rộng, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Trưa nay, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận những đợt gió cấp 5-6, biển động. Để chủ động phòng chống bão số 3, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã điều động hơn 100 lượt phương tiện, gần 400 cán bộ chiến sỹ phối hợp chính quyền địa phương thông tin về hướng di chuyển của bão và hỗ trợ người dân chằng buộc tàu thuyền tại các khu vực neo đậu an toàn, trước 16h hôm nay (6/9) hoàn thành việc đưa người dân ở các khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn.
Trung tá Bùi Anh Đức, Đồn trưởng đồn Biên phòng Đảo Trần, huyện Cô Tô, cho biết: "Đồn Biên phòng đảo Trần đã cử trên 30 lượt cán bộ, chiến sỹ thông báo, tuyên truyền, kêu gọi yêu cầu các chủ phương tiện và ngư dân hoạt động trên vùng biển đảo Trần về nơi tránh trú bão an toàn. Đơn vị cũng cử cán bộ chiến sỹ xuống địa bàn, giúp đỡ các hộ dân đang sinh sống trên đảo chằng chống nhà cửa, neo buộc phương tiện. Đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ bão và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão Yagi gây ra."
Để ứng phó bão Yagi, Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc bộ và Thanh Hóa đảm bảo toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng.
Tại tỉnh Thái Bình, tỉnh đã thực hiện cấm biển từ 5 giờ sáng nay, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cấp bách đến 18 giờ chiều nay hoàn thành việc di dân từ vùng có nguy cơ cao gặp nguy hiểm đến nơi an toàn. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khi đi thị sát công tác phòng chống bão yêu cầu: "Không được chủ quan. Lực lượng chức năng phải nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, di dời hết người dân ở vùng có nguy cơ gặp nguy hiểm, phải có danh sách từng người một. Thậm chí phải cưỡng chế di dời nếu có tình trạng chần chừ."
Cùng ngày, trước khả năng siêu bão Yagi ảnh hưởng trực tiếp đến Thủ đô, Bí thư thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ban hành công diện hỏa tốc về việc ứng phó với siêu bão.