(VOV5) - Theo dự thảo Nghị quyết, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động, học nghề theo nguyên tắc bảo đảm an toàn; trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 3/6, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Sáng 3/6, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: quochoi.vn |
Theo nhiều ý kiến, Nghị quyết là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nhằm bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại từng trại giam. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan và tính khả thi trong thực tiễn.
Theo dự thảo Nghị quyết, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động, học nghề theo nguyên tắc bảo đảm an toàn; trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động. Có 11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam như: các phạm nhân phạm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; có từ 2 tiền án trở lên; tái phạm nguy hiểm; người nước ngoài; người dưới 18 tuổi; người đủ 60 tuổi trở lên…
Cũng trong ngày 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và thảo luận tại tổ về 2 dự án luật này.