(VOV5) - Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng gắn liền với các hoạt động sinh sống của hàng trăm nghìn người dân.
Chiều 22/8, tại Nam Định, Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển sông Hồng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng tổ chức Hội nghị tăng cường quản lý các khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng góp phần thích ứng biến đổi khí hậu.
Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng có diện tích hơn 105.558 ha; trong đó, có 66.256 ha là đất liền ven biển và 39.302 ha mặt nước biển thuộc 25 xã của các huyện Kim Sơn (Ninh Bình); Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định); Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình).
Đây là nơi gắn liền với các hoạt động sinh sống của hàng trăm nghìn người dân. Các công trình nghiên cứu của UNESCO đã công bố cho thấy, có khoảng 200 loài chim; trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước đã và đang cư trú tại khu vực này. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò mỏ thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc.
Quản lý các khu di trú sinh quyển đồng bằng sông Hồng |
Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu đều cho rằng thời gian tới, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển tại khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, các cơ quan chức năng địa phương cần thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp quản lý khu dự trữ sinh quyển sông Hồng đã được Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phê duyệt.
Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý hiện đại cho khu dự trữ sinh quyển đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế; đồng thời tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các kiến thức bảo tồn và phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu.