(VOV5) - Việt Nam tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế.
Sáng 16/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh, Xã hội phối hợp với Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận trung ương, tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 khóa 12, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VOV |
Ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.
Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020).
Định hướng trong thời gian sắp tới, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết: Việt Nam tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng: "Việt Nam có kế hoạch sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhâp trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Dự thảo nghị quyết mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để thông qua vào Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII".