(VOV5) - Với phương châm “giúp bạn là giúp mình”, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thực hiện cuộc hồi sinh dân tộc, từng bước khắc phục hậu quả mà chế độ Pôn Pốt gây ra.
Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ truyền thống lâu đời, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Nghĩa cử quốc tế cao đẹp của quân tình nguyện Việt Nam và của nhân dân Campuchia năm xưa càng làm tăng cường mối quan hệ láng giềng anh em truyền thống, gắn bó, thủy chung giữa hai đất nước.
Một bức tranh về quan hệ Việt Nam - Campuchia do các tác giả thuộc các đơn vị trong Quân đội Hoàng gia Campuchia sáng tác. Ảnh nguồn: TTXVN |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống mà dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc khác như Campuchia coi trọng. Tình đoàn kết và sự nhất trí là những nhân tố góp phần làm nên mọi thắng lợi của hai nước Việt Nam và Campuchia. Tại hội nghị quốc tế “Việt Nam và thế giới” tổ chức tại Hà Nội nhân 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Maly, Trưởng đoàn đại biểu Campuchia, phát biểu rằng: “Riêng đối với Campuchia, Việt Nam giữ một vị trí đặc biệt. Tạo hóa sinh ra hai nước Việt Nam - Campuchia vĩnh viễn bên nhau. Nhân dân Campuchia nguyện đem hết sức mình đấu tranh bảo vệ sự đoàn kết chiến đấu đặc biệt đó”.
Những năm tháng chiến tranh, nhân dân Campuchia đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Năm 1965, Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh ở Việt Nam đồng thời mở rộng ném bom xuống lãnh thổ Campuchia với lý do “truy kích Việt Cộng”. Campuchia cực lực lên án những hành động này của Mỹ, sau đó tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Campuchia không muốn cho Mỹ sử dụng không phận của mình để tấn công Việt Nam. Những việc làm đó góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Nhân dân Campuchia từng sống lầm than đến cùng cực dưới sự cai trị tàn bạo của chế độ Pôn Pốt. Trước những tội ác mà chính quyền Khmer Đỏ do Pôn Pốt và Iêng Sari đứng đầu gây ra, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia khẩn thiết đề nghị Việt Nam giúp đỡ.
Ngày 23/12/1978, các đơn vị chủ lực Việt Nam mở cuộc phản công quét sạch lực lượng Pôn Pốt lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, hỗ trợ các lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia tiến công giành quyền làm chủ đất nước, cứu nhân dân đất nước Chùa Tháp thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Trong vòng 10 năm, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp quân và dân Campuchia đánh tan lực lượng hàng chục vạn quân của Pôn Pốt. Ông Chhai Sophol, Phó Quốc vụ khanh, Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia, từng có chục năm là phóng viên Thông tấn xã Campuchia thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Với người biết mình sắp chết mà có người đến giải thoát cái chết đó, thật sự người dân Campuchia rất biết ơn. Việt Nam đã giúp đỡ giải phóng dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng năm 1979 thể hiện tình láng giềng muôn đời giữa hai nước. Đặc biệt, Việt Nam cũng tiếp tục sát cánh, hỗ trợ Campuchia trong thời bình. Cho đến ngày nay, Campuchia là một đất nước đang phát triển phồn vinh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng Hun Sen”.
Diễu hành tại Campuchia kỷ niệm 40 năm Chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ảnh: nhandan |
Sarun Sang, làm việc tại Đài Phát thanh Quốc gia FM 96 Mhz của Campuchia, ca ngợi sự nghiệp quốc tế cao cả, sáng ngời chính nghĩa của Việt Nam: “Em được biết từ hồi thời Khmer Đỏ, quân tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ Campuchia rất nhiều. Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, là một chế độ rất tàn ác. Em rất cảm ơn họ vì họ đã đến giúp đỡ đất nước Campuchia láng giềng”.
Với phương châm “giúp bạn là giúp mình”, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã gắn bó giúp nhân dân Campuchia anh em thực hiện cuộc hồi sinh dân tộc, từng bước khắc phục hậu quả mà chế độ Pôn Pốt gây ra, đồng thời, tích cực giúp đỡ bạn xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng.
Người dân Campuchia đã gọi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam với cái tên thân thương là “Đội quân nhà Phật”. Tại hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” ở Hà Nội, ngày 20/9/2000, tiến sĩ Chay Y Hiêng, Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, khẳng định: “Điều gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỷ XX? Đó là lòng biết ơn, đó là tình hữu nghị, là hình ảnh về một đội quân nhà Phật từ cõi thiện xa xôi đến cứu giúp nhân dân Campuchia”. Ông Trần Hữu Hậu, nguyên Bí thư Thành ủy Tây Ninh, kể hồi năm 1978 ông nhập ngũ, lên vùng biên giới Tân Biên làm lính trinh sát. Khi đó, nhiều người dân Campuchia trong đó có cả phụ nữ một tay bế con, một tay gắng sức bơi từ bờ bên kia thuộc tỉnh Prey Veng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông sang Việt Nam cầu cứu. Khi gặp quân đội Việt Nam, họ ôm mặt khóc vì biết mình đã thực sự thoát chết: “Khi gặp tổ trinh sát của chúng tôi, họ mừng lắm. Họ khóc, họ quỳ xuống, năn nỉ chúng tôi cứu họ. Có những em bé loắt choắt ôm chân chúng tôi xin cứu giúp. Theo quan điểm chung hồi đó, nếu bà con sang là lập tức đưa về trại tị nạn dành cho người dân Campuchia. Trại tị nạn lúc đó có cả ngàn người. Chúng tôi cho họ ăn cơm. Hồi đó còn nghèo lắm, bộ đội chúng tôi lên chốt mới được ăn cơm, còn ở dưới toàn ăn bo bo. Khi đó, có bo bo thì cho bà con ăn bo bo, có cơm thì cùng ăn cơm, có cái gì thì cho bà con ăn cái đó”.
Hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân Campuchia cũng hết lòng giúp đỡ, hợp tác với Việt Nam trong việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Ông Đinh Xuân Dũng, Trợ lý chính trị, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Tây Ninh, phụ trách mảng tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, nhớ lại một kỷ niệm: “Năm 2018, Ban chỉ đạo 515 tỉnh Tây Ninh tổ chức sơ kết với Ban chỉ đạo tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ với tỉnh Pailin và Battambang. Trong hội nghị sơ kết, có nhiều người dân Campuchia phát biểu đồng tình với chủ trương của hiệp định giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ vương quốc Campuchia. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là có một ông cụ già khoảng 80 tuổi đứng lên phát biểu rất cảm động về tình đoàn kết giữa nhân dân Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam. Cụ già phát biểu rất chân tình và ủng hộ tuyệt đối đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Tây Ninh. Khi đón nhận những bộ hài cốt liệt sĩ, không những bản thân tôi mà cán bộ, chiến sĩ của đội K70, K71 cũng như người dân Campuchia rất xúc động”.
Gần 20 năm nay, các đội quy tập hài cốt liệt sĩ của quân khu 7, quân khu 9 đã quy tập được hàng chục nghìn hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đưa về với đất mẹ trong lễ truy điệu đẫm nước mắt của người thân và đồng đội. Và tại Việt Nam, hơn chục phần mộ của chiến sĩ ngành giao bưu – thông tin Campuchia cũng đang nằm yên nghỉ sau khi thực hiện nhiệm vụ nối mạch giao thông thông tin thông suốt, an toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Máu đào của chiến sĩ Campuchia đã hòa vào lòng đất Việt Nam, ghi danh trên bia đá nghĩa trang liệt sĩ Giao bưu Trung ương Cục miền nam thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, đầy tình anh em và chủ nghĩa nhân văn cao cả của Việt Nam và nhân dân Campuchia trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tình đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau giữa hai nước chính là nguồn mạch của hòa bình, thịnh vượng, giống như dòng nước sông Mekong chảy mãi, đắp xây tình hữu nghị mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.