(VOV5) - Tết Trung Thu là bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, thể hiện tính nhân văn, in đậm dấu ấn trong lòng trẻ em.
Trung Thu ở Bảo tàng Dân tộc học là điểm đến hấp dẫn của nhiều gia đình và trẻ em Thủ đô Hà Nội. Đây không chỉ là nơi vui chơi, mà còn là dịp để các gia đình giáo dục con trẻ và cùng nhau tìm hiểu những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Mâm cỗ trông trăng.- Ảnh Ngọc Anh |
Tết Trung Thu ở Việt Nam tính theo âm lịch là ngày 15 tháng 8 hàng năm. Đây là một trong những lễ hội cổ truyền của Việt Nam, là ngày tết dành cho trẻ em, còn được gọi là Tết trông Trăng, Tết đoàn viên hay Tết hoa đăng. Mâm cỗ Trung Thu được trang trí bắt mắt với các loại hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo, đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn kéo quân… Đêm rằm tháng Tám, khi ánh trăng lên cao cũng là lúc mọi người cùng thưởng thức hương vị mâm cỗ Tết Trung Thu, cùng nhau ngắm trăng, trẻ em vui chơi thỏa thích.
Năm nay, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đổi mới phương thức tổ chức, hạn chế, giảm bớt số lượng các hoạt động trình diễn nhưng vẫn đặc sắc, lý thú. Đặc biệt, năm nay chương trình hướng đến việc giới thiệu những nội dung liên quan đến Tết Trung Thu thông qua mạng xã hội, từ đó giúp cho công chúng ở xa chưa có cơ hội đến Bảo tàng có thể tiếp cận, tìm hiểu về các đồ chơi, trò chơi trong dịp Tết Trung Thu.
Chơi kéo co- Ảnh Ngọc Anh |
Chị An Thu Trà, Phó Trưởng phòng trưng bày truyền thông và công chúng, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: “Năm nay chúng tôi tôn vinh nghệ nhân dân gian, lấy chủ đề là Người giữ lửa Trung Thu. Đây chính là những nghệ nhân đã làm việc, gắn bó lâu năm với bảo tàng. Chúng tôi tăng cường vai trò của ông, bà, bố, mẹ khách tham quan. Họ tự hướng dẫn cho con em mình vui chơi, qua đó gắn kết tình cảm gia đình. Chúng tôi khuyến khích họ làm như vậy. Họ tự múa sư tử, đánh trống tham gia đám rước sư tử. Bên cạnh đó chúng tôi mở tour khám phá Tết Trung Thu cổ truyền. Tour này dành cho khách đặt trước qua các công ty du lịch, công đoàn các công ty, trường học.”
Bảo tàng Dân tộc học dịp Tết Trung Thu đông vui, nhộn nhịp và đầy ắp tiếng cười của các em thiếu nhi, xen lẫn tiếng trống múa sư tử rộn ràng. Khuôn viên của khuôn viên Bảo tàng trang trí rực rỡ sắc màu của Trung Thu, với đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân… Đến với Trung Thu ở Bảo tàng Dân tộc học, trẻ em được tham gia nhiều trò chơi dân gian như chơi chuyền, nhảy dây, kéo co, đi cà kheo, chơi ô ăn quan, xem múa sư tử...
Cháu Hoàng Khang Minh, 11 tuổi, kể: “Đây là lần thứ 4 cháu được đến Bảo tàng Dân tộc học đón Trung Thu. Cháu rất thích các trò chơi dân gian, đặc biệt là mặt nạ và đèn ông Sao. Cháu được các nghệ nhân dạy cách làm đèn ông Sao, đèn kéo quân và mặt nạ. Các trò chơi ở đây phong phú và bổ ích. Qua đây cháu được học hỏi rất nhiều về văn hóa dân gian Việt Nam truyền thống hiếu học như Tiến sĩ giấy, các trò chơi dân gian như nặn tò he.”
Làm đèn ông sao và đèn kéo quân. Ảnh Ngọc Anh |
Đặc biệt, du khách, nhất là các bạn nhỏ được các nghệ nhân dân gian hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu, nặn tò he, làm cốm vòng, làm bánh dẻo, bánh nướng, nặn phỗng, làm hoa giấy, học bày mâm cỗ Trung Thu, nghe kể chuyện tranh Trung thu... Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ trân quý và giữ gìn những nét văn hóa cổ truyền.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Tuyến, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho biết: “Đêm Trung Thu mâm cỗ Trung Thu cho trẻ em không thể thiếu ông Tiến sĩ giấy. Bên cạnh đó còn một số loại đèn như đèn ông Sao, đèn con Thỏ, đèn kéo quân, đèn cù, đèn trống... Ông Tiến sĩ được đặt ngồi trên bệ cao, trước mâm ngũ quả và có 2 ông múa gậy ngồi hai bên. Ông Tiến sĩ giấy trước đây gọi là ông Nghè, ông Cống. Qua đó, các bậc phụ huynh cầu mong cho con mình học giỏi, chăm ngoan, sau này thành đạt.”
Tết Trung Thu là bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, thể hiện tính nhân văn, in đậm dấu ấn trong lòng trẻ em. Trẻ em rất mong đợi ngày này vì được người lớn tặng đồ chơi và được ăn bánh, kẹo, hoa quả, xem múa sư tử, chơi các trò chơi dân gian. Trung Thu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm vui chơi bổ ích, khích lệ cộng đồng ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam.