Truyền thông với rác thải nhựa: Biến lời nói thành hành động

(VOV5) - Đồng hành cùng các Bộ ngành, với chính quyền địa phương, với các tổ chức xã hội, để tìm ra được những giải pháp cho vấn đề ô nhiễm nhựa một cách căn cơ, bền bỉ và lâu dài.

Trong bối cảnh rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách toàn cầu thì ở Việt Nam thảm họa “ô nhiễm trắng này”cũng đặt ra thách thức lớn đối với tiến trình phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi cần phải có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết ô nhiễm nhựa. Một trong những biện pháp đó chính là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với rác thải nhựa, trong đó báo chí là một kênh thông tin quan trọng góp phần đạt được mục tiêu đề ra.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 18% trong chất thải rắn sinh hoạt. Bà Denise Stilley, điều phối viên Chương trình truyền thông Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng, việc lạm dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần vẫn đang là một thói quen khó bỏ của nhiều người dân: Rác thải nhựa hiện này là vấn đề rất nóng bỏng nan giải không chỉ ở Việt Nam mà trên cấp độ toàn cầu.Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày càng nghiêm trọng. Hàng ngày, chúng ta nhìn thấy đồ nhựa, túi nilon ở khắp nơi; trên những con đường chúng ta qua, nơi làm việc, quanh nơi ở. Nước ở những con sông bị nghẽn lại do rác thải. Rác nhựa tích tụ nhiều đến mức chúng ta không thể biết chúng được thải đi bằng cách nào. Việc tích lũy đó đang quá tải so với khả năng xử lý của chúng ta.”

Truyền thông với rác thải nhựa: Biến lời nói thành hành động - ảnh 1 Người dân vẫn còn thói quen lạm dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. 

Giới khoa học cảnh báo, chất thải nhựa rất khó phân hủy. Ở trong môi trường tự nhiên, túi nilon và đồ nhựa phải cần vài trăm năm mới có thể phân hủy hết. Vì thế, nếu nếu không được xử lý đúng cách, rác thải nhựa sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn đất, nước  từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Trước thực trạng đó, Việt Nam đang nỗ lực cùng với các tổ chức quốc tế phát động nhiều chiến dịch kêu gọi xã hội chung tay hành động, nhằm hạn chế rác thải nhựa.

Theo bà Denise Stilley cần phải tăng cường nhiều hơn nữa những biện pháp truyền thông, để biến lời nói thành hành động: “Chúng ta đang rất cần những cá nhân tổ chức, đặc biệt là báo chí truyền thông vào cuộc, giúp mọi người nhận thức rõ hơn tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Rồi việc xử lý nếu không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe như thế nào. Chúng ta cũng cần biết xem cộng đồng hiểu đến đâu mức độ xử lý đối với rác thải nhựa hiện nay. Sử dụng kỹ năng của mình, báo chí kêu gọi mọi người hành động, khuyến khích các bên đối thoại để tìm ra các giải pháp môi trường bền vững”

Truyền thông với rác thải nhựa: Biến lời nói thành hành động - ảnh 2Rác thải nhựa được tập kết đến các cơ sở tái chế- Ảnh Hà Linh
Truyền thông với rác thải nhựa: Biến lời nói thành hành động - ảnh 3Rác thải nhựa không thể tái chế thì đem chôn lấp. Những biện pháp này vẫn làm ảnh hưởng đến môi trường sống ( Ảnh một bãi chôn lấp rác thải ở Hải Phòng/ Hà Linh 

Chính phủ mới đây đặt quyết tâm sẽ phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Vì thế, mỗi người dân, từng cộng đồng dân cư cần thực hiện ngay từ những hành động nhỏ nhất, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và túi nilon góp phần bảo vệ môi trường sống.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, ông Nguyễn Việt Dũng Giám đốc Trung tâm Truyền thông Bộ TN&MT cho rằng, với mỗi đối tượng cần có phương thức, thông điệp truyền thông phù hợp: “Chúng tôi đang triển khai những hoạt động truyền thông đồng bộ. Thứ nhất phải có truyền thông về chính sách, chúng ta phải làm sao truyền tải đến người dân và cộng đồng trong đó có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu là chính phủ Việt Nam không khuyến khích sản xuất đồ nhựa dùng một lần hoặc túi ni lông siêu mỏng hay nhập các phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cũng đang triển khai các công nghệ sản xuất sẩn phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Đó cũng là giải pháp mang tính trọng tâm về tuyên truyền mà chúng tôi đang triển khai.’

Truyền thông với rác thải nhựa: Biến lời nói thành hành động - ảnh 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đứng giữa), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ ban ngành trong một chiến dịch chống rác thải nhựa. Ảnh TTXVN

Trong thông tin tới cộng đồng xã hội, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ nâng cao nhân thức về tác động có hại của rác thải nhựa mà còn cung cấp những thông tin mang tính giáo dục, sáng kiến cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Phóng viên Đỗ Thêu, tạp chí thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT) cho rằng, để có những bài viết tạo sức lan tỏa rộng rãi thì cần có thêm các lớp tập huấn chuyên môn nâng cao nghiệp vụ cho nhà báo, qua đó cung cấp thêm kỹ năng về kiểm chứng thông tin, viết báo cáo khoa học, hay cách kể chuyện sử dụng mạng xã hội, internet sao cho việc tuyên truyền đạt hiệu quả: Là một nhà báo, tôi mong muốn thời gian tới, chúng ta đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền,có thêm nhiều bài viết tập trung vào khía cạnh pháp lý, trách nhiệm của doanh nghiệp, phê phán những hành vi vi phạm về môi trường, đồng thời biểu dương những sáng kiến xanh, tấm gương tiêu biểu, qua đó nhân rộng các phong trào như Chủ nhật Xanh, Khu phố không rác thải nhựa, làng xã không túi rác nilon….nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân cũng như của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội”

Với những người làm truyền thông về chống rác thải nhựa, đặc biệt là nhà báo thì trên hết họ phải là những công dân gương mẫu trong hành động. Không quản ngại gian khó, nhà báo còn là người dám đến tác nghiệp ở những vùng điểm nóng của ô nhiễm, đồng hành cùng các Bộ ngành, với chính quyền địa phương, với các tổ chức xã hội, để tìm ra được những giải pháp cho vấn đề ô nhiễm nhựa một cách căn cơ, bền bỉ và lâu dài.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác