(VOV5) - Nhờ các nhóm zalo này thì trong thời gian qua, địa bàn xã đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp công dân về từ địa phương khác.
Tại Việt Nam thời gian qua, mạng xã hội phổ biến như Facebook, zalo đã có sự phát triển mạnh và ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều bộ phận người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, cùng với các loại hình báo chí truyền thống thì mạng xã hội chính là công cụ để người dân cập nhật, theo dõi và tìm hiểu kiến thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19 rất hiệu quả.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với đặc thù là thông tin được truyền đi một cách nhanh chóng, độ phủ rộng, vì thế, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thông qua fanpage, các nền tảng mạng xã hội, các thông tin về diễn biến dịch bệnh được cập nhật nhanh chóng. Các tin, bài, ảnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 giúp cho người dân có được nguồn thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh trên địa bàn nơi sinh sống, từ đó có trách nhiệm, ý thức và kiến thức cùng với cả cộng đồng quyết tâm đẩy lùi COVID-19. Anh Đỗ Huy Tuấn, một người dân thành phố Lào Cai cho biết: Các bài báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai, Sở Y tế Lào Cai cũng nói rõ cách phòng chống, những điểm phải cách ly. Từ đó tôi rất tự tin và tin tưởng vào công tác phòng dịch của quốc gia cũng như của tỉnh Lào Cai.
Giao diện trang Nhật Ký Chống Dịch trên nền tảng fanpage facebook. Ảnh:nld.com.vn |
Tại các địa bàn tỉnh miền núi, diện tích rộng, dân cư thưa, nhưng nhờ vận dụng tốt các mạng xã hội như zalo, facebook công tác tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 ở các địa bàn này luôn thông suốt và đạt được hiệu quả cao. Ông En, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Trang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, 5 thôn trong xã đều có nhóm Zalo. Mỗi nhóm đều có từ 120 đến 150 thành viên là đại diện của các hộ dân. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã phân công thành viên tham gia các nhóm để tiện trả lời ngay những thắc mắc của người dân. Có khi, đó là những câu hỏi về thủ tục khai báo y tế, có khi là những việc phải làm khi tự cách ly tại nhà, có khi lại hỏi thông tin về các công dân từ tỉnh, thành khác về địa phương đã khai báo y tế hay chưa. Nhờ đó, ban chỉ đạo cũng kịp thời nắm bắt tình hình, triển khai phòng, chống dịch phù hợp với thực tế: Nhờ các nhóm zalo này thì trong thời gian qua, địa bàn xã đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp công dân về từ địa phương khác. Trong đó, một số công dân thực hiện cách ly tập trung, một số cách ly tại nhà. Người dân đã kết nối zalo thì nhìn danh sách các địa phương có dịch, người ta biết, người ta chủ động. Nếu mà thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo Chỉ thị 16 người ta chủ động lên trạm y tế.
Zalo Bộ Y tế cập nhật các thông tin chính thống. Ảnh:nhandan.vn |
Điều đặc biệt là các kênh thông tin từ cấp huyện, đến xã, xuống thôn, làng đều được kết nối với nhau. Vì thế, chỉ cần vào nhóm này, người dân có thể liên hệ điện thoại ngay với trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch hoặc trưởng công an cấp xã, huyện nếu cần thiết. Hoạt động trên các nhóm online đã giúp giảm chi phí tối đa, đồng thời hiệu quả tuyên truyền cũng được nâng cao rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng khoa Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, khẳng định: Trong công tác phòng chống dịch bệnh thì việc phản hồi và đưa thông tin thật nhanh trên fanpage tôi cho rằng việc này sẽ hỗ trợ rất nhiều. Thứ nhất là định hướng thông tin, thứ hai là truy vết và rà soát đối tượng trên địa bàn. Khi tình hình dịch bệnh được thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác sẽ góp phần quan trọng nhằm định hướng thông tin, truy vết và rà soát đối tượng trên địa bàn".
Bên cạnh những lợi ích thiết thực như vậy, để có được nguồn thông tin chính thống, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam cũng đang ngày càng có sự chọn lọc thông tin, cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ các nguồn thông tin về dịch bệnh chưa được kiểm chứng.
Hiện nay, việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh tại Việt Nam đã trở thành phổ cập. Theo thống kê ước tính, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam chiếm tới hơn 73% dân số. Facebook, zalo, ứng dụng xem phim là các loại ứng dụng phổ biến nhất mà người dùng Việt sử dụng. Chính vì vậy, việc ứng dụng mạng xã hội vào quản lý điều hành, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 là xu thế phổ biến và đang phát huy rất hiệu quả, nhất là tại những địa bàn xa xôi cách trở, giúp đưa người dân đến gần hơn với chính quyền các cấp. Trong điều kiện giãn cách xã hội phòng chống COVID-19, những ứng dụng ấy càng cho thấy hiệu quả rõ nét, góp phần kiềm chế dịch bệnh, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh.