(VOV5) - Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 17/3/2015,
Ngày 14/11, tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, làm trưởng đoàn, trình bày và trao đổi về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (còn gọi là Công ước chống tra tấn) trước Ủy ban Chống tra tấn của Liên hợp quốc.
Công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Việt Nam ký kết Công ước chống tra tấn ngày 7/11/2013. Ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 17/3/2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn, Bộ Công an xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước theo hướng dẫn của Liên hợp quốc. Ngày 28/4/2017, Báo cáo quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc. Báo cáo khái quát những kết quả Việt Nam đã đạt được trong việc ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; phương hướng thực thi có hiệu quả Công ước trong thời gian tới.
Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên có báo cáo được Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc xem xét và thảo luận tại phiên họp lần thứ 65 của Ủy ban chống tra tấn, diễn ra từ ngày 12/11 - 7/12/2018.