(VOV5) - Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục...
Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà (phải) và Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara điều hành Hội thảo công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới - Ảnh: phunuvietnam.vn
|
Sau 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới.
Báo cáo tập trung đánh giá sự thống nhất của Luật bình đẳng giới với những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các bộ luật, luật khác của Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện Luật trong giai đoạn 2007 - 2019, làm rõ những thành tựu và tồn tại, hạn chế. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị cho việc sửa đổi Luật và đảm bảo công tác thi hành Luật được tốt hơn.
Phát biểu tại hội thảo công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức sáng 24/9, tại Hà Nội, Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ: "Trong suốt 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới. Chúng tôi đã nhìn thấy những thành tựu đáng kể về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thông qua việc đẩy mạnh khung pháp lý và thể chế tại Việt Nam. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội hòa bình và thịnh vượng. Nếu không giải quyết vấn đề về bình đẳng giới, Việt Nam sẽ không có cách nào đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030".
Tại hội thảo, lãnh đạo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam kêu gọi những nỗ lực chung từ phía các bộ, ban, ngành và tổ chức Chính phủ, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy tiến trình hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030, để không ai bị bỏ lại phía sau.