(VOV5) - “Chỉ một Trái đất” là chủ đề của lễ phát động Quốc gia về môi trường năm nay.
Ngày 5/6 hàng năm được Đại hội đồng Liên hợp Quốc chọn là Ngày môi trường thế giới. Năm 2022, Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới bằng những hành động tích cực, thiết thực.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2022 - Ảnh: qdnd.vn |
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới. Năm 2022, Chính phủ Việt Nam tổ chức lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới tại tỉnh Quảng Ninh ngày 28/5. “Chỉ một Trái đất” là chủ đề của lễ phát động Quốc gia về môi trường năm nay cũng là thông điệp cách đây 50 năm tại Hội nghị đầu tiên về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức năm 1972 tại Thủ đô Stockholm, Thụy Điển, thống nhất thế giới cùng chung tay bảo vệ hành tinh xanh của nhân loại.
Nhiều hoạt động Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì Môi trường năm 2022 được tổ chức như: Mít tinh hưởng ứng, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; trao giải thưởng môi trường; đạp xe diễu hành hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; Giải đua xe đạp - Chặng đường xanh…
Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và tháng hành động vì môi trường năm 2022, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
Các đại biểu trồng cây tại Rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: qdnd.vn |
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Các chủ trương, cam kết chính trị đã và đang tiếp tục được thể chế hóa. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức được thực hiện từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm".
Tại Việt Nam, Chính phủ luôn kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động, như: Phân loại rác tại nguồn; sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo; hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế...
Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Sự quyết tâm và hành động của Việt Nam khẳng định trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những thách thức của toàn cầu về khí hậu, môi trường.