Việt Nam ủng hộ các sáng kiến và hành động nhằm thúc đẩy “Việc làm thỏa đáng và nền kinh tế đoàn kết”

(VOV5) - Các sáng kiến, hành động này góp phần quan trọng để thế giới tiếp tục hướng tới các mục tiêu về thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững cho mọi người.
Việt Nam ủng hộ các sáng kiến và hành động nhằm thúc đẩy “Việc làm thỏa đáng và nền kinh tế đoàn kết” - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: Molisa

Sáng 8/6, tại Genève, Thụy Sỹ (tức 16 giờ chiều theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có bài phát biểu trực tuyến tại Phiên họp lần thứ 110 của Hội nghị Lao động quốc tế. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ trụ sở của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Genève, Thụy Sỹ, với sự tham gia của hơn 4.000 đại biểu, đại diện cho các cơ quan của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động đến từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ILO.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoan nghênh và nhất trí cao với chủ đề của Hội nghị, đồng thời ủng hộ các sáng kiến, hành động của Tổ chức lao động quốc tế nhằm thúc đẩy việc làm thỏa đáng và nền kinh tế đoàn kết. Các sáng kiến, hành động này góp phần quan trọng để thế giới tiếp tục hướng tới các mục tiêu của Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc cũng như theo đuổi sứ mệnh của Tổ chức Lao động quốc tế về thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững cho mọi người.

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết: Trong phân khúc có tổ chức của nền kinh tế đoàn kết, Việt Nam có thành phần kinh tế tập thể ở mức quy mô đáng kể. Kinh tế tập thể ở Việt Nam đã đóng góp tốt cho tăng trưởng kinh tế; tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực; thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển xanh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết: Đóng góp vào mục tiêu chung hướng tới việc làm thỏa đáng cho mọi người, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Kế hoạch thực hiện Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức với các nhóm công việc cụ thể và thúc đẩy việc thực hiện các Công ước cơ bản này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác