(VOV5) - Ngay trong nước, ngày càng có nhiều người dân mua hàng, thanh toán qua internet, điện thoại.
Tại Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn, xu hướng tiêu dùng không tiền mặt đã có sự chuyển biến rõ rệt. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động ngày càng được ưa chuộng bởi rất nhiều thuận lợi như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đang đa dạng hóa sản phẩm để cùng doanh nghiệp và các đơn vị thực hiện chi tiêu công không dùng tiền mặt. Điều này là một trong những xu hướng tất yếu của thị trường tài chính, tiền tệ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ở các đô thị lớn, giới trẻ Việt Nam có thể dễ dàng đặt mua các mặt hàng từ nước ngoài chuyển về mà không cần sang tận nơi trả tiền hay nhờ người mang giúp. Trong các dịp giảm giá, khuyến mãi rầm rộ của các hãng hàng lớn, người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng lên trang web thương mại điện tử để chọn hàng, thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế.
Ảnh minh họa : TTXVN |
Ngay trong nước, ngày càng có nhiều người dân mua hàng, thanh toán qua internet, điện thoại. Ví điện tử dần trở nên quen thuộc với người dân thành thị, nhất là các bạn trẻ. Người tiêu dùng trẻ dùng ví điện tử để thanh toán hầu hết các khoản chi tiêu, từ gọi xe di chuyển đến mua sắm, uống cà phê, thanh toán hóa đơn tiền điện…. Đơn cử, ví điện tử MoMo hiện đã có hơn 12 triệu khách hàng, 10.000 đối tác và hơn 100.000 điểm chấp nhận. Doanh nghiệp này tăng lượng khách hàng bằng cách hợp tác với ngân hàng để có nguồn tiền vào ví, tạo ra nhiều điểm chấp nhận thanh toán để khách hàng có thể sử dụng bất cứ lúc nào, offline và online, tất cả các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu cơ bản của khách hàng. Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví MoMo, cho biết: Thay đổi thói quen của người tiêu dùng không phải là dễ và chúng tôi rất mừng là hiện nay đã có nhiều đơn vị cung cấp ví điện tử và Chính phủ cũng đang hỗ trợ việc này. Trước đây hơn 10 năm chúng tôi đã triển khai dịch vụ này và MoMo đã bền bỉ thực hiện. Chúng tôi rất mừng khi đến với một đối tác và đề nghị phối hợp thanh toán điện tử thì đều được chấp nhận.
Ảnh minh họa : TTXVN |
Trong xu thế chung, các ngân hàng cũng cạnh tranh thị phần thẻ. Họ đưa ra các chương trình như hoàn tiền, miễn phí sử dụng thẻ năm đầu tiên, thậm chí có ngân hàng còn liên kết với các nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành lớn... để giảm giá, có khi giảm tới 50% hóa đơn sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ. Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng- VPBank, ngoài việc mở rộng lượng người dùng thẻ, Ngân hàng còn có sản phẩm thẻ dành cho doanh nghiệp. Ngân hàng xác định phục vụ khách hàng theo các luồng thanh toán, như từ khách hàng tới doanh nghiệp, hỗ trợ thanh toán từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp, hoàn toàn không dùng tiền mặt. Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc cấp cao Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của VPBank, cho biết:Thực tế đối với doanh nghiệp hiện nay, việc quản lý tiền mặt tốn chi phí từ 4,7-15% trong chi phí doanh nghiệp, việc đặt hàng, mua hàng của doanh nghiệp thì 92% xử lý thủ công và chi phí khoảng 5%. Trên cơ sở phân tích yêu cầu, khó khăn, thách thức của doanh nghiệp như vậy, chúng tôi đưa ra giải pháp giúp người mua trả tiền chậm nhất có thể, người bán thu tiền nhanh nhất có thể.
Theo thống kê, năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Việt Nam đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2017; giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Khảo sát của Công ty TNHH PwC ở 27 nước cho thấy Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động tăng từ 37% lên 61%. Nếu thanh toán không tiền mặt được sử dụng trong các dịch vụ công như y tế, giáo dục nhiều hơn, không chỉ đơn giản là thanh toán tiền điện, tiền nước như hiện nay, thì chắc chắn tỷ lệ không dùng tiền mặt sẽ tăng lên. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết: Chúng tôi đề xuất chính phủ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung và chia sẻ kết nối để thanh toán dịch vụ công. Các bộ ngành tập trung chỉ đạo hệ thống công nghệ thông tin từ phía cung ứng dịch vụ công để làm việc này. Tích hợp và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin các đơn vị dịch vụ công để tương thích và kết nối với giải pháp thanh toán.
Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Đối với thanh toán không tiền mặt thì mục tiêu là phải tăng trưởng nhanh. Có tăng trưởng nhanh thì mới rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và điều này đóng góp cho phát triển dịch vụ rất cao. Chúng ta phải phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt với chiến lược tài chính toàn diện, cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ này. Cả mục tiêu phát triển nhanh và phát triển phổ cập phải song hành với nhau.
Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, là một trong những thước đo quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ ngân hàng thương mại.