Lan tỏa sức sống tiếng Pháp trong cộng đồng

(VOV5) - Với chủ đề của Ngày Quốc tế Pháp ngữ năm nay là “Hãy nói bằng tiếng Pháp”, Cộng đồng Pháp ngữ mong muốn truyền tải đi một hình ảnh cởi mở và hiện đại của ngôn ngữ chung này.

Hàng năm, cứ đến tháng 3, không chỉ những người yêu tiếng Pháp mà đông đảo công chúng Việt Nam nhiệt tình chào đón ngày hội Pháp ngữ. Tham gia cộng đồng Pháp ngữ từ những năm 70 của thế kỷ trước và đã đóng góp rất nhiều vào quá trình hình thành, phát triển của tổ chức này, Việt Nam đang là một thành viên tích cực trong tổ chức này, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Lan tỏa sức sống tiếng Pháp trong cộng đồng - ảnh 1

Ảnh minh họa: Quốc kỳ hai nước Việt Nam và Pháp

Tôn chỉ hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nhằm tôn vinh tiếng Pháp cũng như sự đa dạng, phong phú về văn hóa trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp và cả những ngôn ngữ khác nhau trong Cộng đồng Pháp ngữ. Thông qua sự giao lưu ngôn ngữ, văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, các cơ hội hợp tác về chính trị, kinh tế mở ra nhiều triển vọng hơn.

Với chủ đề của Ngày Quốc tế Pháp ngữ năm nay là “Hãy nói bằng tiếng Pháp”, Cộng đồng Pháp ngữ mong muốn truyền tải đi một hình ảnh cởi mở và hiện đại của ngôn ngữ chung này.

Việt Nam tích cực tham gia Cộng đồng Pháp ngữ

Việt Nam tham gia Pháp ngữ từ những năm 70 của thế kỷ trước và ngay từ thời điểm đó, Việt Nam đã chú trọng đến việc giảng dạy tiếng Pháp. Việt Nam đã hợp tác với tổ chức Pháp ngữ lập ra các lớp song ngữ để tạo ra nguồn sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam. Hiện tiếng Pháp được coi là ngoại ngữ đặc biệt tại Việt Nam, không chỉ là phương tiện làm việc của các tổ chức quốc tế, mà nó được sử dụng song song với tiếng Anh tại các phiên họp và diễn đàn quốc tế cũng như khu vực. 

Theo nhận định của ông Eric Normand Thibeault, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong khối cộng đồng Pháp ngữ do nằm tại một trong những châu lục có sự hiện diện của tất cả các nước Pháp ngữ trên thế giới. Một thực tế là Việt Nam không chỉ là cửa ngõ rất quan trọng của khu vực Đông Nam Á, mà còn là một trong những thành viên rất quan tâm tới các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như đã đầu tư rất nhiều cho sự phát triển của Pháp ngữ. Do vậy, mục đích mà Tổ chức quốc tế Pháp ngữ hướng tới không chỉ là giáo dục và thúc đẩy việc sử dụng tiếng Pháp trên toàn thế giới, mà còn là đồng hành với sự phát triển của các nước có sử dụng tiếng Pháp, trong đó có Việt Nam. 

Ông Eric Normand Thibeault nói: "Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp và đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, chính trị và xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh không chỉ trong khu vực, mà cả trên thế giới. Vì thế cần có những hoạt động nhằm nâng cao năng lực của con người. Đây cũng là lý do chúng tôi muốn đồng hành, nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Tất cả những hoạt động mà chúng ta cùng nhau tổ chức ở đây đều là nhằm mục đích đồng hành cùng Việt Nam trong các nỗ lực chung".

Lan tỏa sức sống tiếng Pháp trong bối cảnh toàn cầu hóa

Tiếng Pháp ngày nay mang lại cơ hội, mang lại nhiều giá trị cho những người có sử dụng ngôn ngữ này. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, tác động tới nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

Với Việt Nam, nhận thức rõ vai trò của tiếng Pháp cũng như tầm quan trọng của sự thúc đẩy đa dạng văn hóa trong cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Bởi thế, mỗi dịp tháng 3 này, các hoạt động kỷ niệm ngày quốc tế Pháp ngữ lại diễn ra sôi động như lễ trao các giải thưởng Pháp ngữ, hòa nhạc, triển lãm, chiếu phim, hội thảo, gặp gỡ giao lưu…, là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với tổ chức quốc tế này.

Năm nay, tại Việt Nam, các hoạt động đa dạng diễn ra ở nhiều thành phố và các vùng miền. Đánh giá vai trò của Việt Nam trong cộng đồng pháp ngữ, bà Ouidad Tebbaa, Giám đốc khu vực của Cơ quan Đại học Pháp ngữ khẳng định: "Chúng tôi ký thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1993 và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994. Tổ chức Đại học Pháp ngữ là một lưới các trường đại học và đặc biệt ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới vai trò của Việt Nam đối với sự phát triển của tổ chức. Chính tại Việt Nam chúng tôi đã phát triển được một chiến lược quan hệ đối tác thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ sang các nước khác trong khu vực".

Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/03 hàng năm là dịp để những người nói tiếng Pháp trên toàn thế giới thể hiện sự gắn bó của mình với tiếng Pháp, khẳng định tình đoàn kết. Các hoạt động tại Việt Nam nhân ngày quốc tế Pháp ngữ năm nay thể hiện tinh thần cởi mở, sự gắn bó của Việt Nam đối với Pháp ngữ trong các thiết chế văn hóa và giáo dục.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác