Nóng vấn đề an ninh thế giới tại Hội nghị Munich 2019

(VOV5) -Hội nghị An ninh Munich được tổ chức lần đầu tiên năm 1963 với mục tiêu ban đầu là diễn đàn phối hợp các chính sách quốc phòng của các nước phương Tây.

Hội nghị An ninh Munich 2019, hội nghị an ninh được xem là uy tín nhất thế giới, vừa diễn ra cuối tuần qua tại thành phố Munich, Đức với hàng loạt các chủ đề quan trọng của quan hệ quốc tế được bàn thảo. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu đang có chiều hướng gia tăng cùng nhiều bài toán an ninh hóc búa toàn cầu chưa có lời giải.

Hội nghị An ninh Munich 2019 có sự góp mặt của 35 nguyên thủ quốc gia, 50 ngoại trưởng, 30 bộ trưởng quốc phòng và nhiều tổ chức quốc tế. Với hàng trăm cuộc thảo luận, hội nghị đã bàn về các vấn đề từ cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc, tương lai của Liên minh châu Âu, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đến tương lai của kiểm soát vũ khí và chính sách quốc phòng, sự giao thoa giữa thương mại và an ninh quốc tế.

Nóng vấn đề an ninh thế giới tại Hội nghị Munich 2019 - ảnh 1 Khung cảnh bên trong Hội nghị An ninh Munich 2019. Ảnh: securityconference.de

Căng thẳng và rạn nứt

Hàng loạt các vấn đề như căng thẳng Mỹ-Châu Âu, an ninh mạng giữa Mỹ-Trung Quốc, bất đồng về an ninh Trung Đông, thỏa thuận hạt nhân Iran… đã phủ bóng đen lên Hội nghị lần này. Tại Hội nghị lần này chứng kiến không ít màn đấu khẩu căng thẳng giữa các cường quốc. Vấn đề Huawei và biển Đông là tâm điểm đối chọi trong các bài phát biểu của đại diện Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Washington kêu gọi "tẩy chay" tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei, cho rằng Huawei và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn, thì phía Bắc Kinh khẳng định không theo đuổi "bá quyền công nghệ". Trung Quốc chỉ trích Mỹ nên từ bỏ những định kiến ý thức hệ và tâm lý lỗi thời mà cần hợp tác cùng có lợi.

Màn "đấu khẩu" này diễn ra chỉ một ngày sau khi các quan chức cấp cao của hai bên kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất tại Bắc Kinh. Hai bên gặp lại trong vòng đàm phán tiếp theo ở Washington trong tuần này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác với Washington nhưng cũng bày tỏ thái độ phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và sự không hài lòng đối với hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông. Về phần mình, Mỹ đề cao chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ với sự ủng hộ của Australia và Nhật Bản.

Cũng tại hội nghị, Mỹ và các nước châu Âu đã bày tỏ quan điểm khác biệt rõ rệt về các vấn đề từ an ninh Trung Đông tới thương mại, khoét sâu rạn nứt xuyên Đại Tây Dương trong kỷ nguyên của Tổng thống Donald Trump. Điều này được thể hiện rõ rệt trong 2 bài phát biểu với quan điểm trái ngược nhau của Phó Tổng thống Mỹ Pence và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong hàng loạt vấn đề toàn cầu như thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc chiến ở Syria và Yemen, việc thực thi các cam kết giải trừ quân bị và kiểm soát việc chạy đua vũ trang, khủng hoảng tại Venezuela hay quan hệ giữa Nga với phương Tây…Có thể nói, tại Hội nghị Munich năm nay thì quan hệ đồng minh Mỹ-châu Âu không chỉ chưa thể hàn gắn như trước mà còn tiếp tục bị chia rẽ mạnh hơn vì các bất đồng.

Bức tranh an ninh thế giới nhiều bất ổn

Hội nghị An ninh Munich được tổ chức lần đầu tiên năm 1963 với mục tiêu ban đầu là diễn đàn phối hợp các chính sách quốc phòng của các nước phương Tây.

Đến nay, hội nghị thường niên này đã trở thành một diễn đàn toàn cầu cho các vấn đề an ninh của thế giới. Hội nghị An ninh Munich vốn là nơi quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, các tổ chức nghiên cứu chiến lược và các chính trị gia để bàn các vấn đề an ninh toàn cầu. Tuy không phải là nơi đưa ra chính sách song diễn đàn này được xem là không gian phản ánh rõ nét nhất trật tự thế giới thông qua quan điểm của các quốc gia.

Hội nghị an ninh Munich năm nay, theo nhận định của giới nghiên cứu quan hệ quốc tế, cho rằng thế giới đang sống trong một giai đoạn rất bất ổn, nhiều nhân tố mới xuất hiện làm phức tạp bức tranh an ninh toàn cầu. Nhiều mâu thuẫn khó lường trong quan hệ quốc tế, từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc đến tham vọng tập hợp lực lượng và xây dựng một trật tự thế giới mới. Bên cạnh đó là các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, chiến tranh mạng…Vì thế, trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều biến động lớn như hiện nay thì việc đối thoại giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng, nhằm tránh các rủi ro đối đầu trực diện. Và Hội nghị An ninh Munich có nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình dựa trên hợp tác và đối thoại quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác