|
Cuộc bầu cử quốc hội sắp tới tại một trụ sở bầu cử ở Tehran, thủ đô của Iran. Ảnh: Tân Hoa xã. |
(V0V5) - Ngày 2/3, khoảng 48 triệu cử tri Iran, đủ điều kiện, bắt đầu tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội nước này. Đây được xem là cuộc đua giữa phe bảo thủ chính trị của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và phe tôn giáo của Lãnh đạo tối cao thứ hai Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Nhưng dư luận cho rằng, dù ai trúng cử cũng sẽ không thay đổi lập trường cứng rắn của Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.
Cuộc bầu cử quốc hội lần này là cuộc thăm dò đầu tiên kể từ cuộc bầu cử tổng thống vốn gây nhiều tranh cãi hồi năm 2009, dẫn đến các cuộc biểu tình đường phố đòi cải cách ở Iran trong 8 tháng. Gần 48 triệu cử tri Iran, trong đó số cử tri mới là gần 4 triệu người, hôm nay sẽ bỏ phiếu lựa chọn trong số 3.400 ứng cử viên đủ tư cách để bầu ra 290 ghế trong quốc hội, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm tới.
Thực chất, cuộc bầu cử này là cuộc đua giữa phe bảo thủ chính trị của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và phe tôn giáo của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Đó là ý nghĩa chính của cuộc bỏ phiếu ngày 2/3. Trước hết, nhìn vào cuộc đua, các nhà quan sát không thấy có tín hiệu nào mới bởi cả hai đối thủ đều theo đuổi đường lối cứng rắn trong vấn đề hạt nhân. Tổng thống M. Ahmadinejad đang cố gắng để thay thế ông A. A. Khamenei trong hệ thống phân cấp chính trị phức tạp của nước này, mà trong bộ máy đó, Lãnh tụ tối cao nắm quyền quan trọng. Theo luật pháp của Iran, Lãnh tụ tối cao có thể bổ nhiệm hay miễn nhiệm những chức vụ quan trọng như bộ trưởng tình báo, quốc phòng và đối ngoại. Bởi vậy, dù kết quả bầu cử ra sao, quyền lực thực sự trong các vấn đề quan trọng của đất nước như chương trình hạt nhân hay quan hệ với Mỹ vẫn nằm trong tay Lãnh tụ tối cao. Với ông A. A. Khamenei, dù luôn đứng về phía Tổng thống nhưng Lãnh đạo tối cao không bao giờ cho phép phe bảo thủ của Tổng thống nắm đủ quyền lực trong tay để thách thức vai trò của ông. Nhưng dư luận cho rằng, sự thiết lập cuối cùng vẫn cần có ông M. Ahmadinejad. Đặc biệt khi Iran đang chịu áp lực quốc tế về hoạt động hạt nhân, đang phải đối mặt với việc thắt chặt biện pháp trừng phạt và các mối đe dọa tấn công quân sự của Mỹ hoặc Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này. Trong quyết tâm theo đuổi tham vọng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nếu trong hệ thống chính trị Iran thiếu đi đương kim Tổng thống M. Ahmadinejad có thể sẽ đẩy tình hình nước này thêm phức tạp, kích động phe đối lập xuống đường biểu tình. Đó là điều cử tri và nhân dân Iran không hề mong muốn.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm buộc Iran nhượng bộ về vấn đề hạt nhân đã bắt đầu ảnh hưởng tới lĩnh vực năng lượng và thực phẩm nhập khẩu. Trong một động thái mới, ngày 29/2, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay tuyên bố, Mỹ vẫn tiếp tục chính sách kết hợp sử dụng biện pháp ngoại giao và gia tăng trừng phạt nhằm ngăn cản Iran theo đuổi chương trình hạt nhân, vì theo nhận thức của Washington, Tehran chưa tiến hành chế tạo bom nguyên tử. Động thái này được xem là một phần trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm đưa ra một thông điệp chung để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Israel, ngày 5/3 tới, tại Nhà Trắng. Bởi Mỹ và các đồng minh lo ngại, Israel sẽ quyết định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, điều có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước trong khu vực. Điều mong muốn của Washington lúc này là tập trung vào chiến dịch ngoại giao nhằm huy động cộng đồng quốc tế gây sức ép với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ, nhiều lần khẳng định, Washington không loại trừ bất cứ giải pháp nào nhằm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Norton Schwartz còn tuyên bố, không quân Mỹ có thể sẽ tấn công Iran nếu các giải pháp ngoại giao thất bại.
Có thể thấy, với cuộc bầu cử Quốc hội lần này ở Iran, dư luận cho rằng, dù cuộc đua tranh có căng thẳng đến đâu, một vấn đề vẫn không hề suy chuyển. Đó là tham vọng hạt nhân vì mục đích hòa bình của nước cộng hòa Hồi giáo này. Đó là điều mà giới chức phương Tây không hề mong muốn và dư luận cho rằng, đó vẫn, sẽ là nhân tố khiến căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng ở nước này không thể lắng dịu./.