(VOV5) - Trước thời cơ phát triển của đất nước, việc xây dựng pháp luật đang đòi hỏi phải có tư duy mới, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, ngày tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, hệ thống pháp luật Việt Nam đã bao quát điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý và phát triển đất nước. Trước thời cơ phát triển của đất nước, việc xây dựng pháp luật đang đòi hỏi phải có tư duy mới, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Hệ thống pháp luật là thước đo thể hiện trình độ phát triển của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong quản lý đời sống xã hội. Cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó pháp luật có vai trò then chốt.
Hệ thống pháp luật là thước đo thể hiện trình độ phát triển của đất nước
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định hệ thống pháp luật phải “đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã kế thừa Nghị quyết số 48 và bổ sung các tiêu chí của hệ thống pháp luật: “đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Một năm sau, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là dấu mốc, là bước chuyển quan trọng. Lần đầu tiên Đảng ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó xác định các mục tiêu chủ yếu là: Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị mạnh mẽ chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Ảnh: VGP |
Kể từ khi Nghị quyết số 48-NQ/TW được ban hành, số lượng luật được thông qua trong Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV và kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là hơn 300 luật, bộ luật; đặc biệt, có nhiều văn bản quan trọng, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Trưng cầu ý dân năm 2019, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016… Bên cạnh đó, các chủ thể có thẩm quyền cũng ban nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của luật. Chất lượng của hệ thống pháp luật về cơ bản đã bảo đảm được tính thống nhất, đồng độ.
Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật
Mục tiêu của đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là xây dựng được hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ngày 20/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ rằng: pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng.
Để thực hiện tốt, phải có quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ nhưng cũng phải linh hoạt để kịp thời phản ứng chính sách, có giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển theo nguyên tắc bảo vệ, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (21/10), Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị mạnh mẽ chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển: Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Khẩn trương xây dựng hàng lang pháp lý điều chỉnh những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến Cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
Kết quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng, đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật không chỉ góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới mà còn khơi thông các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.