(VOV5)- CHDCND Triều Tiên đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu đối với Hàn Quốc vào bất kì thời điểm nào.
Cuộc tập trận chung hàng năm giữa Hàn Quốc và Mỹ mang tên "Người bảo vệ tự do Un-chi" được tiến hành từ đầu tuần này, bất chấp những lời đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Không giống những lần tập trận chung trước đây, cuộc tập trận lần này, lần đầu tiên sử dụng chiến lược răn đe với tình huống giả định đối phó mối đe dọa tiến công hạt nhân trực tiếp từ Bình Nhưỡng.
Cũng như những lần tập trận chung trước đây, Triều Tiên đã phản ứng mạnh mẽ, song lần này ở cấp độ cao hơn. Cho rằng cuộc tập trận chung là một sự chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân, CHDCND Triều Tiên đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu đối với Hàn Quốc vào bất kì thời điểm nào, đồng thời cảnh báo Seoul và Washington sẽ phải trả một giá đắt cho những hành động của họ.
Cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn được xem là nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng tức giận. Ảnh: Telegraph
Quy mô tập trận lớn chưa từng có
Đây là cuộc diễn tập quân sự có quy mô lớn nhất trong năm của Mỹ và Hàn Quốc và cũng được coi là quy mô lớn nhất trong các lần tập trận chung từ trước đến nay. Chiến lược tập trận song phương này được phác thảo trong cuộc họp Bộ trưởng quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc năm ngoái, theo đó hai bên cho rằng cần phải phối hợp để đối phó với Bình Nhưỡng.
Trước khi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn diễn ra, CHDCND Triều Tiên đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập họp khẩn cấp, song đề nghị này không được đáp ứng. Hàn Quốc lập trường trước sau như một cho rằng cuộc tập trận chung thường niên là hoạt động hợp tác bình thường giữa Seoul và Washington, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đáp lại, Bình Nhưỡng tuyên bố nếu Liên hợp quốc “cố tình làm ngơ” thì nước này "tự lựa chọn đường đi của mình”. Bình Nhưỡng còn khẳng định chừng nào Mỹ và Hàn Quốc không hủy bỏ các cuộc tập trận mang tính khiêu khích chống Bình Nhưỡng, thì hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên sẽ không được đảm bảo. Trước những công kích của Bình Nhưỡng, Seoul cũng đưa ra tuyên bố cứng rắn sẽ trả đũa mạnh mẽ bất kỳ khiêu khích nào từ phía người anh em miền Bắc.
Những lời cảnh báo sắc lạnh
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vốn đã “căng như dây đàn” trong nhiều năm qua. Thời gian gần đây, quan hệ giữa hai miền lại xấu đi sau một loạt các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Thậm chí, ngay trước thềm cuộc tập trận "Người bảo vệ tự do Ulchi", trước chuyến thăm của Giáo hoàng Francis I tới Hàn Quốc chủ trì một buổi lễ cầu nguyện cho sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã phóng 5 quả tên lửa tầm ngắn hướng về vùng biển phía đông. Tính từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã thực hiện tổng cộng 17 lần với 105 quả tên lửa. Đáng chú ý là tốc độ, quãng đường và khả năng nguy hiểm của các vụ phóng thử tên lửa này càng được cải thiện. Bình Nhưỡng lớn tiếng cảnh báo rằng tất cả các lực lượng quân sự tham gia cuộc tập trận này, cũng như Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cùng các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc và trên toàn thế giới sẽ trở thành mục tiêu của các loại vũ khí tấn công tối tân của CHDCND Triều Tiên.
Bước lùi trong nỗ lực cải thiện quan hệ hai miền
Không thể phủ nhận thiện chí của CHDCND Triều Tiên từ đầu năm đến nay tại các cuộc đàm phán. Tháng trước, Bình Nhưỡng quyết định cử một đoàn khoảng 700 người, gồm cả vận động viên và người cổ vũ, tới tham dự ASIAD 17 tại Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 10 tới. CHDCND Triều Tiên cũng đang xem xét kế hoạch tham dự Hội thảo lần thứ 12 Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học, dự kiến được tổ chức tại Piêng-chang, Hàn Quốc, từ ngày 29/9 đến 19/10 tới. Song, những diễn biến căng thẳng hiện tại có thể đẩy lùi mọi nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai miền bởi trên thực tế, cuộc đàm phán liên Triều cấp cao vào ngày 19/8 để thảo luận kế hoạch đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã không diễn ra như dự kiến.
Hy vọng về hai miền Triều Tiên thống nhất lại với nhau thành "một gia đình, một dân tộc" trên tinh thần hòa giải dân tộc, như lời cầu nguyện của Giáo hoàng Francis, dường như khó thành hiện thực. Hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại chứ không phải là các cuộc phô trương sức mạnh. Nhưng đáng tiếc, những diễn biến căng thẳng hiện tại khiến cho việc tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên trở nên khó khăn gấp bội./.