Dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản

(VOV5) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hôm nay (28/2), Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu bắt đầu tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam. Chuyến thăm kéo dài tới ngày 5/3 là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản - ảnh 1
Nguồn: Internet


Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là biểu tượng cao quý của đất nước và khối đoàn kết toàn dân Nhật Bản. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chỉ thực hiện các chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm đặc biệt đối với các đối tác có quan hệ thân thiết với Nhật Bản. Là người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, Nhà vua Akihitô luôn ủng hộ các thành viên Hoàng gia Nhật Bản tăng cường giao lưu với Việt Nam.

Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng, một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Lịch sử quan hệ bắt nguồn từ lâu đời

Lịch sử cho thấy giao lưu Việt Nam-Nhật Bản diễn ra từ xa xưa. Vào thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết từ miền Trung Việt Nam đã sang Nhật Bản truyền đạo và dạy nhạc Lâm Ấp, được dân người địa phương thờ tại Chùa Đại An thành phố Nara. Vào thế kỷ 16, 17, các thương nhân Nhật Bản đã đến giao thương tại Hội An và hiện vẫn còn nhiều di tích còn được lưu giữ đến ngày nay như cầu Nhật Bản, khu mộ người Nhật Bản.

Từ năm 1992 đến nay, các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hoá giữa hai nước không ngừng được mở rộng, sự hiểu biết và tin cậy từng bước được tăng lên. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016). Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” năm 2002 đến quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” năm 2014. Năm 2015, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 9/2015, Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra “Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”.

Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, Việt Nam và Nhật Bản còn hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Hội đồng nhân quyền... Việt Nam ủng hộ Nhật Bản vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2016-2017) và cam kết tiếp tục ủng hộ Nhật Bản làm Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này được mở rộng. Trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản khẳng định cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản

Chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tính đến thời điểm này, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất và đối tác thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đối tác thứ ba về du lịch và đối tác thứ tư về thương mại. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Việt Nam tháng 01/2017 đạt được những kết quả ấn tượng.

Trên cơ sở đó, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng, một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước; thể hiện tình cảm và sự quan tâm của Nhật Bản đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển toàn diện, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác