(VOV5) - Việt Nam luôn thực hiện chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Hôm nay (12/10), tại Hà Nội, khai mạc Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ 8, thể hiện cụ thể chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo và đoàn kết dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ trước tới nay, Đảng cộng sản Việt Nam luôn khẳng định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tồn tại lâu dài cùng với sự phát triển của xã hội. Hệ thống luật pháp của Việt Nam luôn thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán, của Đảng, Nhà nước Việt Nam, về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ 8 khai mạc tại Thủ đô Hà Nội sáng 12/10. Ảnh: TTXVN |
Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới từ 1990 đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ thị, nghị quyết đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân. Trong số đó, sớm nhất là Nghị quyết số 25/NQ/TW (năm 2003) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết ghi rõ: “mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Hệ thống chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Trong 20 năm qua, đã có trên 30 văn bản pháp quy quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hoặc sửa đổi các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành. Có thể kể đến Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 (năm 2004) quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP (năm 2005) hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg (năm 2008) về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Tiêu biểu nhất là Hiến pháp năm 2013, Điều 24, quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Tiếp đó, Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016), Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (2017) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đến năm 2021, văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và Hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận”. Tuyên bố về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Băng V6 TSCT 12/10 HANG
Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Việt Nam luôn thực hiện chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đảm bảo bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo tín ngưỡng và bảo hộ các hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, trong Luật tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan, được đảm bảo tôn trọng trên thực tế.
Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo trên thực tế
Những chủ trương và chính sách, pháp luật nêu trên góp phần giải quyết nhiều vấn đề mà thực tiễn công tác tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi, tạo hành lang pháp lý, ổn định, thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo ngày càng tốt đẹp hơn.Thực tế cho thấy 20 năm qua, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể. Tính đến năm đến năm ngoái, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc, trên 29 nghìn cơ sở thờ tự. Hằng năm, trên khắp đất nước, có khoảng 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức, với hàng vạn tín đồ tham gia.Từ năm 2013-2023, cơ quan chức năng đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo. Chỉ tính riêng năm ngoái, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với hơn 684.000 bản in. Cơ quan chức năng đã chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển… Đó là bằng chứng sinh động của việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Những chủ trương, chính sách đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo môi trường để cộng đồng các tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam, cho biết: Băng V6 TSCT 12/10 MANH
Chúng tôi động viên mọi người "lương, giáo đoàn kết" để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tự hào mình là người dân con đất Việt và vui mừng khi Tổ quốc gọi tên mình; tham gia tích cực vào việc giữ gìn an ninh Tổ quốc;nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vừa hồng vừa chuyên; động viên giáo dân tham gia vào các công việc của địa phương như hiến đất làm đường hoặc tham gia vào các quỹ khuyến học khuyến tài.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc Việt Nam đã được cụ thể hóa trên nguyên tắc hiến định các quan điểm của Đảng và trở thành hiện thực trong thực tiễn, đã đạt mục tiêu cao nhất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân và góp phần dựng xây một đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.