(VOV5) - EU có một lợi ích lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có mọi lợi ích trong việc duy trì một cấu trúc khu vực cởi mở và dựa trên luật lệ.
Cuối tuần qua, ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã thông qua "Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Chiến lược mới này được cho là sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là với các đối tác quan trọng trong khu vực này.
EU đang thể hiện mong muốn tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - Ảnh: UM |
Một loạt các lĩnh vực hợp tác được đề cập trong chiến lược bao gồm thương mại và đầu tư, biến đổi khí hậu và tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế. Ngoài ra, chiến lược nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát triển quan hệ đối tác trong khu vực về an ninh và quốc phòng, trong đó có giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải, thông tin sai lệch, khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Xoay trục về trung tâm địa chính trị mới của Châu Á
Chiến lược mới của EU thể hiện nhận thức của khối về tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết củng cố vai trò của khối trong hợp tác với các đối tác tại đây. Chiến lược cũng tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa EU và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hợp tác trong khu vực này cũng giúp EU thực hiện nghị trình toàn cầu của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).
Mặt khác, việc EU đưa ra chiến lược hợp tác với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực, hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ hối thúc các đồng minh tăng cường can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do”. Thực chất, mục tiêu cốt lõi trong chiến lược của chính quyền Washington là nhằm giành quyền chủ đạo, kiểm soát khu vực này, từ đó tiếp tục duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ.
Các sĩ quan trên tàu chỉ huy và đổ bộ đa năng Tonnerre của Hải quân Pháp chuẩn bị cập cảng Cochin ở Kochi, Ấn Độ ngày 30/3/2021 - Ảnh: AFP |
Trước EU, tháng 3/2021, Anh đã công bố những thay đổi chiến lược quan trọng, trong đó tuyên bố 'xoay trục' về "trung tâm địa chính trị" mới của thế giới là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, xác định vai trò của Anh trong mối quan hệ này sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, Pháp là nước đầu tiên ở châu Âu công bố chiến lược riêng về khu vực này. Nhiều nước châu Âu khác cũng đang quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Củng vố vai trò ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Sự tồn tại của những tài liệu chiến lược này thể hiện sự công nhận một thực tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm kinh tế và địa chính trị quan trọng.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới nằm ở vị trí trung tâm của các lợi ích chiến lược chính trị và kinh tế thế giới. Lâu nay, với nhiều nguồn tài nguyên phong phú và nhiều tuyến đường biển “yết hầu” cùng hoạt động kinh tế, thương mại năng động bậc nhất, khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ 21 và xa hơn nữa. Tuy nhiên, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã và đang ghi nhận sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt, làm gia tăng áp lực lên thương mại và các chuỗi cung ứng cũng như những căng thẳng trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh. Các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ đều có những điều chỉnh chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này.
Những năm qua, EU đã có những đóng góp đáng kể tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong hợp tác phát triển và hỗ trợ nhân đạo, ứng phó biến đổi khí hậu, tình trạng mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, đồng thời góp phần duy trì luật pháp quốc tế về quyền con người và tự do hàng hải.
"Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" vừa được thông qua nhấn mạnh, EU có một lợi ích lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có mọi lợi ích trong việc duy trì một cấu trúc khu vực cởi mở và dựa trên luật lệ. EU khẳng định sẽ tăng cường sự can dự sâu hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác với các đối tác trong khu vực để thực hiện nhiệm vụ chung giải quyết các tác động to lớn về kinh tế và con người của cuộc khủng hoảng COVID-19, đảm bảo một sự phục hồi kinh tế - xã hội xanh, bền vững và bao trùm.