Kịch bản nào cho quan hệ liên Triều?

(VOV5) - Tình hình bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng giờ trước những lời đe dọa qua lại giữa CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và các bên liên quan. Liệu có bùng nổ một cuộc chiến tranh giữa hai miền như đã từng xảy ra 60 năm về trước là điều mà dư luận đang hết sức quan tâm và là chủ đề nóng hơn bao giờ hết trên các phương tiện truyền thông quốc tế.

Kịch bản nào cho quan hệ liên Triều? - ảnh 1
Binh sĩ Hàn Quốc trong một cuộc tập trận - Ảnh: EPA

Trong một động thái khiêu khích vô cùng nguy hiểm, ngày 30/3, CHDCND Triều Tiên tuyên bố quan hệ liên Triều đã rơi vào tình trạng chiến tranh. Tất cả vấn đề giữa hai miền sẽ được giải quyết theo nguyên tắc thời chiến. Một ngày sau, phát biểu trước phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng cần nâng cấp kho vũ khí hạt nhân cả về số lượng và chất lượng, đồng thời sẽ phát triển ngành năng lượng hạt nhân để tăng sản lượng điện và phóng thêm nhiều vệ tinh. CHDCND Triều Tiên cảnh báo các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là mục tiêu tấn công đầu tiên của nước này nếu chiến tranh bùng nổ trên bán đảo. Không chỉ nói suông, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ thị cho các đơn vị tên lửa chiến lược của nước này hướng sang các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và Thái Bình Dương, sau khi Lầu Năm Góc điều hai máy bay ném bom tàng hình mang vũ khí hạt nhân B-2 tới Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, nguồn tin quân sự Hàn Quốc tiết lộ số lượng nhân sự và xe quân sự gia tăng mạnh ở các địa điểm phóng tên lửa tại CHDCND Triều Tiên. Không khí sẵn sàng chiến đấu sục sôi trên khắp CHDCND Triều Tiên bằng việc ngụy trang xe quân sự, những tấm áp phích kêu gọi “tiêu diệt đế quốc Mỹ” và thúc giục người dân chiến đấu “bằng vũ khí, không phải lời nói”. Nhà Trắng cho biết đe dọa mới của CHDCND Triều Tiên là “rất nghiêm trọng” và Washington sẽ liên hệ chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc để giám sát mọi động thái của CHDCND Triều Tiên, đồng thời cáo buộc chỉ một mình CHDCND Triều Tiên có lỗi trong việc để căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang nghiêm trọng. Nhiều nước như Thái Lan, Philippin đã lên kế hoạch sơ tán công dân của mình khỏi Hàn Quốc do lo ngại cuộc chiến tranh trên bán đảo đã cận kề.

Kịch bản nào cho quan hệ liên Triều? - ảnh 2
Ảnh chụp từ vệ tinh về bãi thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh: AP

Tuy nhịp “trống trận” đang dồn dập nhưng nhiều ý kiến cho rằng rất khó để có thể bùng nổ một cuộc chiến tranh tổng lực. Lý do lớn nhất lý giải cho ý kiến này là chiến tranh xảy ra sẽ gây thiệt hại nặng nề cho tất cả các bên liên quan, khi mà hợp tác kinh tế đang là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Có chăng là bằng cách đưa khu vực tới bờ xung đột bằng nhiều lời đe dọa và khiêu khích, Bình Nhưỡng đang muốn thu hút sự chú ý của dư luận, gây sức ép buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán, tạo áp lực đối với tân Tổng thống Hàn Quốc thay đổi chính sách với Bình Nhưỡng, đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết nội bộ đất nước, nhất là kể từ sau khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền. Bằng cách tạo ra ấn tượng rằng một cuộc tấn công vào Mỹ sắp xảy ra, CHDCND Triều Tiên có thể nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc và động viên người dân tập hợp xung quanh nhà lãnh đạo mới của họ. Một dấu hiệu khác để loại bỏ khả năng diễn ra chiến tranh tổng lực là CHDCND Triều Tiên vừa bổ nhiệm ông Pak Pong-ju, một nhân vật được đánh giá là có đầu óc cải cách, làm Thủ tướng. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo nước này quan tâm đến việc đổi mới, cải cách nền kinh tế. Củng cố thêm cho lý giải này là tại Hội nghị toàn thể đảng Lao động Triều Tiên mới đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đặt một đường lối chiến lược mới cho đất nước, trong đó nêu rõ song song xây dựng kinh tế và phát triển vũ khí hạt nhân. Như vậy, có thể hiểu Bình Nhưỡng chắc chắn không dự tính một cuộc tấn công quân sự chống Hàn Quốc và Mỹ trong tương lai gần. Ở Bình Nhưỡng những ngày này, có thể thấy cảnh đối nghịch, trong khi hàng trăm nghìn binh sĩ, sinh viên và công nhân giơ cao nắm đấm thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối đối với Nguyên soái quân đội Kim Jong-un tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở trung tâm thủ đô, thì ở những nơi khác trên đất nước, nhà hàng, cửa hiệu, nông trại, nhà máy mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và dường như người dân đã quá quen với những lời tuyên bố chiến tranh. Một người dân CHDCND Triều Tiên sống gần khu vực biên giới cho biết : Căng thẳng gia tăng hầu như mọi năm quanh thời điểm Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung. Nhưng sau khi tập trận kết thúc, mọi thứ trở lại bình thường và người ta nhanh chóng cho chúng vào ký ức và hy vọng lần này cũng vậy.

Tháng 7 tới  là tròn 60 năm kể từ khi một hiệp định đình chiến giữa hai miền được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài ba năm, cướp đi sinh mạng hơn 3 triệu người. Sau 60 năm, Hàn Quốc trỗi dậy từ một nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong khi CHDCND Triều Tiên vẫn phải vật lộn tìm lối thoát sau chiến tranh, với thu nhập bình quân đầu người ngang với khu vực cận Sahara ở Châu Phi. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, Bình Nhưỡng đang rất cần một cuộc cải cách mở cửa. Nhưng, những biện pháp bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây cho đến nay vẫn không ngăn được quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Chừng nào các bên vẫn chọn giải pháp phô trương sức mạnh quân sự thay cho đàm phán, chừng đó hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn mãi xa vời./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác