(VOV5) - Các hoạt động ngoại giao dày đặc trong vài tháng qua đang phát huy tác dụng khi Mỹ và Trung Quốc gần đây phát đi tín hiệu cho thấy hai nước vẫn còn dư địa để hợp tác.
Trong khuôn khổ Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), diễn ra từ 15-17/11 tại San Francisco (Mỹ), Tổng thống Mỹ, Joe Biden hôm nay (15/11) gặp Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Đây là sự kiện quan trọng, có thể giúp 2 siêu cường ổn định mối quan hệ đang gặp nhiều sóng gió, hướng đến một tương lai cạnh tranh có trách nhiệm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ, Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình tại San Francisco là lần thứ hai nguyên thủ của 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới gặp mặt trực tiếp, sau lần đầu tiên tại Bali (Indonesia) nhân Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm ngoái. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong vài thập kỷ gần đây, cuộc gặp tại San Francisco được kỳ vọng giúp hai nước hạ nhiệt căng thẳng, ổn định quan hệ, xây dựng một cách tiếp cận mới để quản lý có trách nhiệm mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới hiện nay.
Ngăn chặn nguy cơ xung đột
Tròn 1 năm sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bali (Indonesia), quan hệ Mỹ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trên hầu hết mọi lĩnh vực. Về kinh tế, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đẩy mạnh việc áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát gắt gao hơn đối với dòng vốn đầu tư của các công ty Mỹ sang Trung Quốc. Đáp lại, phía Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp hạn chế với một số công ty Mỹ và thực thi lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với một số nguyên liệu quan trọng trong lĩnh vực công nghệ.
Về chính trị và ngoại giao, sự cố khinh khí cầu đầu năm nay khiến các tiếp xúc cấp cao giữa hai nước đóng băng trong thời gian dài. Tiếp đến, các tranh cãi về xung đột Nga-Ukraine, về môi trường an ninh tại Đông Á, về cạnh tranh ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương… tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào vòng xoáy khủng hoảng, trôi dần về xu hướng đối đầu. Tuy nhiên, các quan chức hai nước cũng đã nhanh chóng nhận thức được sự nguy hiểm của xu hướng này nên đã thúc đẩy một số nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng. Từ mùa Hè, một loạt các quan chức cấp cao của Mỹ, như: Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Thương mại, Gina Raimondo đã sang thăm Trung Quốc và đến tháng 10, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị cũng đã thăm Mỹ.
Theo giới quan sát, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng sự gia tăng căng thẳng giữa 2 nước sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực cho cả hai quốc gia và cho toàn thế giới. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan chia sẻ quan điểm này: “Sẽ luôn có những điều không thể lường trước nảy sinh, sẽ luôn có biến động. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng tôi có thể tạo ra các đường dây liên lạc và một khuôn khổ rộng lớn hơn cho mối quan hệ Mỹ-Trung hay không, để cho dù bất cứ điều gì xảy ra, chúng tôi vẫn quản lý sự cạnh tranh một cách có trách nhiệm để không biến nó thành xung đột”
Tìm kiếm không gian hợp tác
Các hoạt động ngoại giao dày đặc trong vài tháng qua đang phát huy tác dụng khi Mỹ và Trung Quốc gần đây phát đi tín hiệu cho thấy hai nước vẫn còn dư địa để hợp tác. Ngay trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, đầu tuần này Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc, Hà Lập Phong đã thảo luận và đưa ra một nhận thức chung về các vấn đề kinh tế-tài chính. Theo nhận thức này, Mỹ-Trung nhất trí duy trì liên lạc, cam kết hợp tác cùng nhau ứng phó các vấn đề toàn cầu, như: biến đổi khí hậu, nợ của các nước đang phát triển, đồng thời chia sẻ mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp hai nước.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: Getty Images |
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc vào tuần trước cũng đã nối lại toàn bộ các chuyến bay thương mại trực tiếp giữa hai nước, ở quy mô như trước khi diễn ra đại dịch Covid-19 đầu năm 2020. Ngoài ra, tại Thượng đỉnh an toàn Trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên, tổ chức hôm 8/11 tại Anh, Trung Quốc cũng đã tham gia và ủng hộ Tuyên bố Bletchley về an toàn AI do các nước phương Tây đề xuất. Theo bà Phó Oánh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, tất cả những động thái trên cho thấy cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là nấc thang tiếp theo trong việc ổn định quan hệ Mỹ-Trung: “Tôi vui mừng là hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại San Francisco và cuộc gặp này được kỳ vọng rất cao. Tôi hy vọng hai nhà lãnh đạo đáp ứng được kỳ vọng của cả thế giới, đó là tìm ra được cách đối thoại thẳng thắn để ổn định quan hệ, từ đó có thể chuyển sang tập trung cho các vấn đề thực sự quan trọng khác của thế giới”.
Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, chính quyền Mỹ đặt mục tiêu thu được những kết quả cụ thể từ cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, như: làm rõ quan điểm cạnh tranh quyết liệt nhưng có trách nhiệm; nối lại liên lạc quốc phòng; thảo luận việc quản lý AI.... Ngoài ra, một số vấn đề quốc tế quan trọng, như: xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, an ninh trên bán đảo Triều Tiên… cũng được thảo luận.