(VOV5) - Trang MoneyWeek của Anh đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất Châu Á thời gian tới.
Kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2021 đang có những dấu hiệu tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng duy trì tốt, niềm tin nhà đầu tư tiếp tục bảo đảm, sản xuất kinh doanh cải thiện, đặc biệt là thị trường chứng khoán đang chứng kiến những bước nhảy vọt liên tiếp. Tất cả những yếu tố này đem đến những triển vọng lạc quan cho kinh tế Việt Nam năm nay.
Ảnh minh họa: baodautu.vn |
Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp song tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2021 có nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng. Nhiều định chế tài chính lớn quốc tế cũng đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế khả quan
Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2021 của Việt Nam tăng 4,48% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng quý I/2020. Điều này cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế đang tăng.
Tăng trưởng ở các khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là điểm sáng. Khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ có dấu hiệu khởi sắc. Nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần phục hồi trở lại. Lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thanh khoản thị trường được bảo đảm, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đấy mạnh.
Xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1 tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Ảnh minh họa: vov.vn |
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương. Tổng số vốn quý I đạt trên 10 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, số vốn đăng ký mới và số vốn đăng ký điều chỉnh tăng mạnh, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. 3 tháng đầu năm 2021 cũng chứng kiến hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Hoạt động thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai mạnh mẽ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cho doanh nghiệp Việt Nam được đẩy mạnh với hơn 4.000 doanh nghiệp tiếp cận…
Xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1 tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 152 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán chứng kiến những bước nhảy vọt liên tiếp. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng vọt và cán mốc trên 1.200 điểm. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm. Việt Nam cũng tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới của Liên Hợp Quốc.
Thế giới đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam
Những ngày gần đây, nhiều định chế tài chính lớn quốc tế đã đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt mức 6,5% năm 2021. Ngân hàng United Overseas Bank thì đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%. Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng dự báo Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2021 là 6,6%.
Trước đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định lại xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”. Việc nâng hạng này phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam, một trong rất ít nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thuộc nhóm các nước hạng BB có thể duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91% vào năm 2020 trong đại dịch COVID-19. Fitch Ratings ghi nhận các thành quả về tài khóa, nợ công của Việt Nam, thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát nhanh chóng dịch COVID-19 ngay từ ngày đầu, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm sớm hồi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Trang MoneyWeek của Anh đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất Châu Á thời gian tới. Trong khi đó, trong bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ thực hiện, lần đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2,9 điểm, do “sức khỏe” tài chính được cải thiện và tăng 15 bậc so với năm 2020.
Nhiều chỉ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục gia tăng, thể hiện sự công nhận, đánh giá cao của quốc tế đối với những cải thiện vững chắc về tài khóa, nợ công, nợ nước ngoài... cũng như những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn của đất nước. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu tích cực này, Việt Nam vẫn kiên trì các chính sách kinh tế vĩ mô, bảo đảm phục hồi kinh tế một cách bền vững và toàn diện.