(VOV5) - Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng.
Với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Hà Nội từ 17-19/12. Trong bối cảnh mới của thế giới nhiều biến động, trong nước thời cơ và thách thức đan xen, Hội nghị đề xuất những nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong giai đoạn tới, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của ngoại giao phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước.
Các đại biểu dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 tại Hà Nội, ngày 18/12/2023 - Ảnh: Tuấn Anh/qdnd.vn |
Các Hội nghị Ngoại giao được tổ chức 2 năm/lần là những cột mốc quan trọng, đánh dấu quá trình phát triển qua các giai đoạn. Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thách thức về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hội nhập quốc tế..., hoạt động ngoại giao được tổ chức triển khai tích cực, chủ động, hiệu quả, linh hoạt, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Dấu ấn thành công
Năm 2023, công tác đối ngoại và ngoại giao đã khẳng định rõ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, là một “điểm sáng” nổi bật trong thành tựu chung của đất nước.
Đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức quán triệt và triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Ngoại giao tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Năm 2023 cũng là một năm ngoại giao sôi động với các cuộc điện đàm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chuyến thăm của các lãnh đạo Việt Nam tới các nước. Ở chiều ngược lại, đã có gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Thành công của các chuyến thăm đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Thông qua các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, Việt Nam cũng tranh thủ huy động được nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội. Việt Nam đã phát huy tốt lợi thế các hiệp định thương mại tự do, các xu thế phát triển mới để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, khoa học- công nghệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban Luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột... Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: "Những thành tựu này là kết tinh nỗ lực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp quan trọng của các cơ quan đối ngoại và ngành ngoại giao. Những kết quả đó cũng khẳng định bản sắc rất độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, thấm đượm tâm hồn, cốt cách, khí phách và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tư tưởng của nhân loại".
Quyết tâm xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Trong bối cảnh đó, Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, là dịp để những người làm công tác đối ngoại đánh giá toàn diện kết quả hai năm triển khai vừa qua và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm và các biện pháp cần tập trung triển khai thời gian tới. Hội nghị lần này cũng là dịp để ngành Ngoại giao trao đổi một số vấn đề lớn, vấn đề mới về đối ngoại để đóng góp vào tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đối ngoại trong thời kỳ Đổi mới, quyết tâm xây dựng nền ngoại giao vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.