(VOV5) - Lãnh đạo Nhật Bản hết sức coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Điều đó phản ánh sự thủy chung và gắn bó trong quan hệ Việt-Nhật.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ 18 - 20/10. Ngày 19/10, diễn ra một loạt sự kiện trọng tâm của chuyến thăm như hội đàm giữa hai Thủ tướng, chào xã giao Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Hai Thủ tướng cũng trao đổi các văn kiện hợp tác. Chuyến thăm góp phần phát triển hơn nữa đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân tại lễ đón. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 47 năm. Hiện nay, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố. Hợp tác kinh tế chặt chẽ, giao lưu nhân dân ngày càng phát triển.
Việt Nam là trọng tâm trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản
Về kinh tế, Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai (tính theo số lũy kế), đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường các chương trình khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là trọng tâm, bao gồm cả biện pháp cơ chế và hỗ trợ chi phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại các nước Đông Nam Á.
Dự báo, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tăng mạnh không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ, do mức sống và nhu cầu của người Việt Nam tăng lên. Các thương hiệu lớn như Uniqlo hay Muji nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam là biểu hiện rõ nét. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide là động lực lớn để thúc đẩy làn sóng này.
Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được đầu tư bằng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. - Ảnh: petrotimes.vn |
Cùng với triển vọng tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhật Bản hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nhật Bản vẫn tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nhận định: “Thị trường Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Hai thị trường này có tính chất bổ sung cho nhau. Do vậy, việc đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước ngoài mà đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam, khi mà người dân đã có sự tin tưởng đối với một quốc gia khác thì họ luôn muốn sử dụng những sản phẩm của những quốc gia mà họ tin tưởng”.
Thúc đẩy tình hữu nghị bền chặt
Bên cạnh việc tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, việc mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ văn hóa xã hội đến các hoạt động giao lưu nhân dân cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc gắn kết giữa chính phủ và người dân hai nước. Các sự kiện văn hóa như: Lễ hội Hoa Anh đào Nhật Bản Hà Nội, lễ hội Nhật-Việt tại thành phố Hồ Chí Minh, các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản hay triển lãm giới thiệu nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản đã và đang thúc đẩy hơn nữa tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước. Nhật Bản cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa quan trọng như kinh thành Huế, Hoàng thành Thăng Long.... Hợp tác về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật còn nhiều dư địa trong thời gian tới.
Người dân và du khách tham quan, thưởng lãm hoa anh đào tại không gian lễ hội trong ngày 31/3/2019 tại Hà Nội. - Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đánh giá việc các nhà lãnh đạo Nhật Bản đều chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên sang thăm trong nhiệm kỳ của mình một lần nữa cho thấy lãnh đạo Nhật Bản hết sức coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Điều đó phản ánh sự thủy chung và gắn bó trong quan hệ Việt-Nhật, tạo tiền đề cho một giai đoạn hợp tác mới nhiều thành công: “Trong thời gian qua, có rất nhiều thử thách, cả trong nội bộ nước Nhật, trong môi trường kinh tế thế giới biến động nhưng chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam vẫn không thay đổi, vẫn nhất quán và càng ngày càng mật thiết hơn. Tôi nghĩ rằng sự ổn định này dựa trên nền tảng là lợi ích giữa hai nước phù hợp với nhau và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước và giữa lãnh đạo hai nước rất sâu sắc”.
Những kết quả hợp tác mà hai nước đạt được trong thời gian qua cho thấy quan hệ Việt-Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, tạo ra nền tảng cho sự hợp tác vì ổn định và hòa bình của khu vực Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide và Phu nhân từ 18 – 20/10 đã cho thấy sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố giữa hai quốc gia.