(VOV5) - Theo kế hoạch, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có trong lịch sử hình thành EU.
Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức khởi động tiến trình đàm phán đưa “xứ sở sương mù” rời khỏi “ngôi nhà chung” theo đúng lịch trình. Sau hơn 4 thập kỷ gắn kết, đàm phán lịch sử lần này không chỉ tác động mạnh tương lai nước Anh mà còn cả trật tự chính trị phương Tây, có thể bị xáo trộn nghiêm trọng nếu cả hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Ảnh minh họa- nguồn Internet
|
Theo kế hoạch, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có trong lịch sử hình thành EU.
Chính phủ của Thủ tướng Theresa May từng lên các kế hoạch Brexit “cứng”, bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu. Tuy nhiên, với kết quả cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hôm 8/6, mọi thứ dường như đã thay đổi. Thách thức lớn nhất của Thủ tướng Theresa May hiện nay là làm thế nào để đưa các dự luật về Brexit vượt qua cửa ải Quốc hội, nơi đảng Bảo thủ của bà không còn chiếm ưu thế.
Nước Anh sau 1 năm quyết định rời khỏi EU
Nhìn lại 1 năm qua, kể từ khi quyết định chia tay EU, tình hình chính trị tại Anh hiện đã rất khác. Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May mất đa số ghế khiến tình hình chính trị ở Anh bất ổn, đồng thời cũng gây bất lợi cho bà May trong tiến trình đàm phán Brexit. Do không đủ mạnh như trước khi tiến hành tổng tuyển cử nên đảng Bảo thủ không thể tự quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có tiến trình đàm phán Brexit với EU, mà phải lắng nghe và chịu sức ép từ các đảng phái chính trị khác. Đối với Thủ tướng Theresa May, bà còn đối mặt với khó khăn trong nhiệm vụ đàm phán với EU bởi những ý kiến trái chiều từ chính một số nhân vật quan trọng trong nội các chính phủ. Như vậy, xét về vị thế khi bước vào đàm phán, Anh đã không còn ở thế cứng rắn như thời điểm cách đây 1 năm.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Daily Mirror |
Về kinh tế, nền kinh tế Anh ghi nhận sự chững lại trong những tháng đầu năm nay do sự mất giá của đồng Bảng, qua đó làm tăng tỉ lệ lạm phát lên cao, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này sẽ càng làm gia tăng các thách thức mà bà May phải đối mặt trong việc kiểm soát quá trình Brexit. Trong khi đó, niềm tin của người dân trong khối EU đang ngày càng tăng cao. Phần lớn nền kinh tế khu vực châu Âu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan. Theo các nhà phân tích, điều này cũng gây ra những bất trắc mới và vẫn còn đó câu hỏi lớn về lập trường của London. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng May luôn nhấn mạnh sẽ thực hiện tiến trình Brexit “cứng”, có nghĩa là không gia nhập thị trường chung và mạnh tay cắt giảm lượng người nhập cư. Tuy nhiên, một phương án Brexit "mềm", với việc Anh rời EU nhưng vẫn ở trong thị trường chung có khả năng sẽ được tính tới.
Một phần quan trọng khác trong đàm phán Brexit là vấn đề nhập cư. Kế hoạch hậu Brexit của Thủ tướng Theresa May nhằm cắt giảm người nhập cư sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Anh. Việc từ chối hàng nghìn người nhập cư không chỉ làm mất đi một nguồn cung lao động quan trọng, mà còn làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt nhân lực hiện tại trong các lĩnh vực then chốt của nước này.
Cần lộ trình để tháo gỡ nút thắt
Sau cuộc đàm phán bước đầu, quan chức hai bên đều nhận định chưa mang lại kết quả rõ ràng. Thời gian tới, hai bên tiếp tục các cuộc gặp để tháo gỡ dần những nút thắt. Theo đó, phía EU đang mong đợi một thời gian biểu rõ ràng hơn về kế hoạch Brexit của Anh. Nhưng dường như điều này vẫn chưa đi đến ngã ngũ bởi mới đây, sau vòng thứ nhất đàm phán, hơn 50 nhà lập pháp thuộc Công đảng đã cùng ký một bức thư kêu gọi Anh tiếp tục ở lại trong thị trường chung Châu Âu. Tất nhiên lập trường này bị nhiều thành viên đảng Bảo thủ phản đối song cũng nhận được sự đồng tình của một số thành viên khác trong chính đảng này. Điều này đang đặt ra lo ngại về lập trường chung thống nhất của London trong việc đưa ra những quyết định Brexit thời gian tới.
Năm đầu tiên sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU là một năm đầy sóng gió. Chính trường xáo trộn, an ninh đất nước liên tục xảy ra các vụ tấn công khủng bố và các cuộc tấn công bài ngoại. Tất cả những điều này đang đặt ra cho nước Anh nhiều thử thách. Dự kiến, Anh chính thức rời EU khoảng tháng 3/2019. Từ nay đến thời điểm đó Anh còn rất nhiều việc phải làm. Quyết định đã có, giờ là lúc London cần phải chứng tỏ sự đoàn kết, đồng lòng để đưa đất nước đi qua giai đoạn khó khăn này.