(VOV5) -Trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc bố trí, phân bổ vốn đã ưu tiên cho các vùng, địa phương khó khăn.
Đầu tư công là lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đổi mới, tái cơ cấu đầu tư công nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ với tinh thần: đổi mới, sáng tạo, tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn.
Kết quả về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 với tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6,98% có sự đóng góp không nhỏ của việc hoàn thiện công tác đầu tư công của Việt Nam. Cùng với Luật đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2015, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai phân bổ, giao và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các nguồn vốn…
Ảnh minh họa/TTXVN |
Triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 26), tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, quan trọng trong quản lý đầu tư công. Lần đầu tiên có bước đổi mới mang tính đột phá trong việc thay đổi căn bản phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia dành cho đầu tư phát triển, chuyển từ cơ chế quản lý theo kế hoạch đầu tư hằng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hằng năm.
Những kết quả khả quan trong cơ cấu lại đầu tư công
Qua 3 năm triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện và tỷ lệ các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tăng. Mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đã đạt được kết quả bước đầu khá tích cực, tỷ trọng đầu tư công giảm xuống mức 34,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Ông Phạm Tất Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có sự cải thiện rõ rệt qua các tháng, quý. "Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua…Qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trong trung hạn, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu nghị quyết 26 của Quốc hội và đạt được nhiều kết quả khả quan, tích cực, đáng ghi nhận. Mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đạt được kết quả bước đầu tích cực. Việc cân đối tổng thể nguồn lực đầu tư công trong nhiệm kỳ đã tập trung cho các chương trình mục tiêu Quốc gia, tăng đầu tư cho các lĩnh vực như y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa".
Khắc phục những khó khăn, hạn chế để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công
Qua 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội, với sự chủ động tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được tăng cường, cân đối tài chính vĩ mô được giữ vững. Tuy nhiên hiện nay, khả năng cân đối ngân sách nhà nước để bố trí vốn thực hiện hằng năm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư còn thấp, số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu Quốc gia chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu. Bà Vũ Thị Lưu Mai, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng để thực hiện tốt việc cơ cấu lại đầu tư công, cần tránh tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang: "Cần cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực, theo đó cần tuân thủ trật tư ưu tiên được quy định ở các quy định pháp luật. Việc đề xuất dự án cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong cùng khu vực vì lợi ích chung để khắc phục tình trạng có quá nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng lại thiếu dự án có quy mô lớn mang tính lan tỏa vùng miền. Chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch bởi một quy hoạch kém sẽ ra đời những dự án dàn trải, hiệu quả thấp. Thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư những ngành, những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư".
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục và lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng: "Việc giao kế hoạch vốn còn chậm, chưa đảm bảo tính ổn định gây ra ảnh hưởng tiến độ công trình và hiệu quả nguồn vốn đầu tư; tỷ lệ giải ngân còn thấp, nhất là nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ; tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu. Tôi đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, cương quyết hơn, trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến từng khâu, quá trình trong đầu tư công, gắn liền với chỉ số đánh giá, hiệu quả của từng công trình, dự án".
Trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc bố trí, phân bổ vốn đã ưu tiên cho các vùng, địa phương khó khăn. Đặc biệt xây dựng chính xác danh mục, sử dụng hiểu quả các nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA).