(VOV5) - Chính phủ Việt Nam luôn xác định phòng ngừa người di cư trái phép và công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài.
Do đó, cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp cụ thể phòng, chống mua bán người, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp, đồng thời chủ động phối hợp, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế nhằm đẩy lùi tệ nạn buôn bán người.
Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận một em bé bị bán sang Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hoàng/TTXVN
|
Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Tại Việt Nam, phòng, chống mua bán người được coi là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được chú trọng từ lâu.
Bảo vệ người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người
Từ trước đến nay, chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam quyết liệt triển khai công tác phòng, chống buôn bán người cũng như triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các giải pháp, nhiệm vụ mới nhằm ngăn chặn mua bán người trong mọi lĩnh vực. Về điều này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết: "Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai chương trình chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, đạt nhiều kết quả quan trọng như tăng cường phối hợp hiệu quả liên ngành, cải thiện công tác thống kê, đẩy mạnh điều tra, xử lý tội phạm mua bán người và truyền thông phòng ngừa nâng cao nhận thức. Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn những hoạt động mua bán người trong di cư quốc tế".
Kể từ khi Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 được Chính phủ ban hành vào tháng 2/2021, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong đó,nỗ lực nổi bật nhất là việc các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người đã được ban hành kịp thời, hiệu quả. Với việc ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức hỗ trợ dành cho nạn nhân của hành vi mua, bán người đã được điều chỉnh, theo hướng tăng số tiền ăn dành cho nạn nhân bị mua bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng, nhằm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu của nạn nhân phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngày 18/7/2022, các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, là dấu mốc quan trọng khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán. Việc ban hành Quy chế cũng truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2022, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực, đã bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở nước ngoài và phòng ngừa nạn buôn người. Cùng với đó, ngày 30/7 hằng năm được Việt Nam chọn là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, đã huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Chính phủ Việt Nam luôn xác định phòng ngừa người di cư trái phép và công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài. |
Bên cạnh việc hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được Việt Nam quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ở cấp quốc gia, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành 20/3/2020, nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế. Đáng tiếc là những nỗ lực phòng chống mua bán người của Việt Nam chưa được nhìn nhận một cách toàn diện, chính xác khi vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ ra Báo cáo năm 2023 về tình hình mua bán người trên thế giới, trong đó có nêu tên Việt Nam và một số quốc gia khác. Bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: "Việt Nam ghi nhận phía Hoa Kỳ đã có đánh giá tích cực hơn tại báo cáo năm 2023 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới để phía Hoa Kỳ có đánh giá khách quan, chính xác, toàn diện hơn nữa về tình hình nỗ lực thực chất của Việt Nam".
Ở cấp cơ sở, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tiếp tục tham mưu và tổ chức triển khai hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phòng chống mua bán người; chuẩn bị cho Hội nghị liên Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mê - Kông mở rộng về phòng, chống mua bán người (COMMIT) và họp Ban chỉ đạo COMMIT khu vực theo đề xuất của Chính phủ vương quốc Thái Lan... Lực lượng Công an, Biên phòng các tỉnh có biên giới đất liền cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng của phía Trung Quốc, Lào, Campuchia, duy trì giao ban thường xuyên, thiết lập đường dây nóng để chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đại diện Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ và các bên liên quan về những vấn đề hợp tác trong từng trường hợp cụ thể, để cùng triển khai hiệu quả công tác phòng chống buôn bán người ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu.