(VOV5) - An ninh con người được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng CSVN đã đề ra tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030, theo đó xác định an ninh con người là trung tâm, là mục tiêu phấn đấu, đảm bảo cho sự phát triển chính trị, xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam lấy việc xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương là nhiệm vụ hàng đầu, đảm bảo cho mọi người dân được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính - Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) - Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tình hình mới của an ninh toàn cầu đã làm thay đổi nhận thức mới. Nếu như trước đây, an ninh truyền thống là bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thì nay các vấn đề an ninh phi truyền thống được đặt lên hàng đầu, trong đó đề cao bảo vệ an ninh con người, bảo đảm cuộc sống của mọi người dân phải được an toàn, tự do.
An ninh con người là thành tố quan trọng góp phần đảm bảo ổn định chính trị- xã hội.
Tại Đại hội XIII của Đảng CSVN, vấn đề an ninh con người đặc biệt được nhấn mạnh, được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện nhằm thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Đảm bảo an ninh quốc gia gắn với an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng và xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh bên ngoài lãnh thổ. Điều này được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 28/3 vừa qua: "Đảng ta đã xác định rất rõ, trong đó đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định rất rõ “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân" - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Nghị quyết nhấn mạnh tinh thần chủ động phòng ngừa, chuẩn bị chủ động về mọi mặt, sẵn sàng giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống, tính chiến đấu thường xuyên liên tục, gắn chặt xu thế hòa bình ổn định bền vững.
Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia vươn tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng và giữ gìn một môi trường xã hội bình yên để mọi người được sống thanh bình, yên ổn. Bởi có giữ vững an ninh thì nhân dân mới an cư lạc nghiệp, dân có yên ổn làm ăn thì sản xuất mới phát triển, kinh tế mới tăng trưởng. Như vậy "yên dân" là điều kiện để "dân giàu". Dân yên, dân giàu thì đất nước mới vững mạnh. Sự vững mạnh của một đất nước thể hiện ở chỗ có một nền kinh tế phát triển vững chắc, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Việt Nam luôn đề cao quyền của người dân được sống an toàn
Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam luôn thiện chí hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm không ngừng cải thiện, bảo đảm những quyền cơ bản, chính đáng của con người. Từ ngày 1/4/2021, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Một trong 3 chủ đề ưu tiên thảo luận trong tháng Chủ tịch của Hội đồng Bảo an do Việt Nam làm Chủ tịch là đảm bảo cho người dân ở những nơi có xung đột có cuộc sống an toàn và ổn định.
Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hùng Việt - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ ngoại giao, cho biết: "Việt Nam mong muốn thúc đẩy vấn đề này để Hội đồng Bảo an cũng như Liên hợp quốc và các quốc gia quan tâm, bảo vệ các cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng đối với sự sống của thường dân trong các cuộc xung đột vũ trang. Đó là các cơ sở y tế; cơ sở hạ tầng về điện, nước, an ninh lương thực, vệ sinh, trường học và những cơ sở hạ tầng quan trọng khác".
Việt Nam luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu không ngừng thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm quyền con người cho mọi người dân. An ninh con người được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, thời cơ và thách thức đan xen, cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh đất nước tiếp tục góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhanh chóng đưa đất nước phát triển.