Việt Nam và Slovakia thúc đẩy hợp tác song phương

(VOV5) - Thủ tướng nước Cộng hòa Slovakia Robert Fico hôm nay bắt đầu các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Việt Nam và Slovakia thúc đẩy hợp tác song phương - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Slovakia Robert Fico chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông và Phát triển vùng Slovakia - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của Thủ tướng Robert Fico và được thực hiện ngay sau khi ông tái đắc cử vào tháng ba. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Slovakia nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa 2 nước, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực đặc biệt là kinh tế-thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo.


Slovakia có diện tích hơn 49 nghìn km2, với dân số gần 5,5 triệu người. Năm 1918, hai nước Séc và Slovakia cùng thành lập Liên bang Tiệp Khắc. Năm 1993, Slovakia tách khỏi Liên bang này và thành lập nhà nước Cộng hòa Slovakia. Hiện nay Slovakia là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Từ ngày 1/7/2016, Slovakia chính thức đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu.


Việt Nam và Slovakia đã tuyên bố kế thừa các mối quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây, lấy ngày 2/2/1950 là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Năm 2015, nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đã được Việt Nam và Slovakia đồng tổ chức. 

Quan hệ truyền thống tốt đẹp

Từ năm 1993 đến nay quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia phát triển tích cực. Hai bên đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới. Đến nay 2 nước đã ký 15 Hiệp định khung về nhiều lĩnh vực như tương trợ Tư pháp, đào tạo nghề cho công dân Việt Nam, y tế, hàng không, văn hóa, kinh tế. 

Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước những năm gần đây tăng trưởng ổn định. Slovakia hiện là nhà đầu tư lớn nhất của khu vực Trung Đông Âu vào Việt Nam với 5 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 230 triệu USD, đứng thứ 35 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Các dự án của Slovakia chủ yếu tập trung trong lĩnh vực xây dựng, được triển khai tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Bình.  Trong khi đó, Tập đoàn FPT của Việt Nam cũng sáp nhập công ty công nghệ RWE IT Slovakia năm 2014. 

Hợp tác giáo dục-đào tạo được xem là điểm nhấn trong quan hệ hai nước. Hai bên đã ký Hiệp định về đào tạo nghề cho công dân Việt Nam tại các trường trung học dạy nghề vào ngày 27-1-1994 tại Bratislava. Hiện nay, hai bên đang thúc đẩy ký Thỏa thuận hợp tác giáo dục-đào tạo giai đoạn 2015-2019. Slovakia cho biết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực vận hành nhà máy điện nguyên tử cho Việt Nam. Trong chuyến thăm Slovakia của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cuối năm 2009, Slovakia đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên nhận hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) bắt đầu từ năm 2010. 

Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, tháng 5/2015, hai Bên đã ký “Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giai đoạn 2015 - 2019; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước như “Ngày Văn hóa Việt Nam tại Slovakia 2015”, triển lãm “Không gian văn hóa Việt Nam”.

Việt Nam và Slovakia còn có mối quan hệ chặt chẽ bởi khoảng 5 nghìn người Việt đang cư trú tại Slovakia (70% bà con đã có quốc tịch hoặc giấy phép cư trú dài hạn). 

Triển vọng hợp tác


Slovakia xác định Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á. Hiện tại Slovakia là thành viên của EU, trong khi đó Việt Nam cũng là thành viên tích cực của ASEAN. Với chính sách mở cửa và cơ chế kinh tế linh hoạt, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò cầu nối, điểm đến tốt để hàng hóa của Slovakia không chỉ đi vào thị trường Việt Nam mà còn vào thị trường các nước trong khu vực ASEAN. Ngược lại Slovakia cũng là đối tác quan trọng, là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào EU và châu Âu. 

Slovakia có nền công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, y tế, nông nghiệp, hạ tầng du lịch, có hệ thống công nghiệp chế biến phát triển. Đây là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng và phù hợp với quá trình Công nghiệp hóa hiện đại hóa của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam còn có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh và chất lượng như các mặt hàng nông sản như gạo, các loại hoa quả, các hàng thủy sản.


Hiện nay, các doanh nghiệp Slovakia quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam và muốn hợp tác với Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân nguyên tử. Vì vậy, tháp tùng Thủ tướng Robert Fico thăm Việt Nam lần này có khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực hóa dầu, năng lượng, lâm sản, công nghệ thông tin, tin học ứng dụng, tài chính, ngân hàng, dịch vụ viễn thông, truyền hình và vận tải. Để tạo thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế, trong khuôn khổ chuyến thăm của đoàn, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Slovakia được tổ chức.


Việt Nam và Slovakia có nhiều cơ hội để phát triển quan hệ hợp tác song phương theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Những văn kiện được ký kết và những nội dung được thảo luận trong chuyến thăm Việt nam lần này của Thủ tướng Robert Fico sẽ tạo ra một lộ trình hợp tác cụ thể, tạo đà cho bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.

Phản hồi

Các tin/bài khác