(VOV5) - Đại hội có sự tham dự của 1250 đại biểu trong và ngoài nước với chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.
Thiết kế, trang trí đường phố chào đón đại hội - Ảnh:giacngo.vn
|
Sáng nay, 21/11, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022) Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Đại hội có sự tham dự của 1250 đại biểu trong và ngoài nước với chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng Ban tổ chức Đại hội phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội; công tác giáo dục đào tạo Tăng ni, công tác từ thiện xã hội; công tác nghiên cứu Phật học; công tác đối ngoại Phật giáo, công tác xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN trước thềm Đại hội, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết trong 5 năm qua, một trong những thành tựu quan trọng của Phật giáo là việc trùng tu, tôn tạo thêm nhiều ngôi chùa ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, coi đó là những cột mốc tâm linh. Trong đó có các chùa ở đảo Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh trên quần đảo Trường Sa, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, chùa Trúc Lâm Tà Lùng tỉnh Cao Bằng… Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết: "Vùng sâu, vùng xa và hải đảo nếu có chùa thì bà con sẽ yên tâm sinh sống như họ đang ở nơi đất liền, trung tâm. Bà con đến đây rất đông, không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn là nơi du lịch như Trúc Lâm Bản Giốc hay các đảo ở Trường Sa".
Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII cũng thảo luận việc sửa đổi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp với thực tiễn điều hành hoạt động phật sự trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với luật pháp Nhà nước trong bối cảnh Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 01/2018.