(VOV5) - Tổ chức y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng là nội dung được Quốc hội thảo luận trong cả ngày hôm nay, 29/5. Phiên họp diễn ra trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội được cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Ảnh: VOV |
Báo cáo giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2020 – 2022, Việt Nam đã huy động được khoảng 230 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,8 tỷ USD) để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Việt Nam tiếp nhận gần 260 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đã cơ bản hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nguồn lực này cũng được sử dụng để mua vaccine, hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm.
Ngoài ra được dùng để chi trả việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến… Với những nỗ lực trên, dịch COVID – 19 tại Việt Nam đã được khống chế.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho rằng Việt Nam nên xét công bố hết dịch COVID-19. "Đầu tiên là tỉ lệ bệnh nặng do COVID-19 gây ra hầu như không còn. Thứ hai, Việt Nam đạt tỉ lệ bao phủ vaccine rất rộng. Đã có 266 triệu liều tiêm cho người trên 12 tuổi với 2 mũi cơ bản, mũi thứ 4 đã được tiêm cho người trên 18 tuổi có nguy cơ cao. Thứ ba, tình hình COVID-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng này, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là ba điều kiện cơ bản, cần thiết để Việt Nam chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Tức là từ nhóm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền cao, phát tán rộng, tỉ lệ tử vong cao sang nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong."
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ trân trọng sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch COVID - 19; khẳng định nghĩa cử này là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là ý thức trách nhiệm công dân đối với đất nước cần được tôn vinh.