Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(VOV5)- Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ và các Bộ, Ngành tiếp tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh nhằm đáp ứng tình hình hội nhập.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao - ảnh 1
Các đại biểu dự kỳ họp Quốc hội khóa 14


Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 2/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ và các Bộ, Ngành tiếp tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh nhằm đáp ứng tình hình hội nhập. Đặc biệt có những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mang lại uy tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Bá Sơn, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đề nghị: “Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sức có liên quan đến quyền lợi và hoạt động của doanh nghiệp. Có cơ chế đối thoại thương xuyên hơn, lập nhiều kênh lắng nghe thu thập thông tin, phản hồi, đồng hành cùng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. khuyến khích hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ”


Về liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ông Lê Công Đỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, cho rằng: “Sớm triển khai cụ thể chủ trương tích tụ ruộng đất, đặc biệt quan tâm chính sách thuê đất trong quỹ đất công để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Có chính sách đối với người đưa quỹ đất vào liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Có chính sách đối với phương thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như khu nông nghiệp công nghệ cao, trang trại, nông hộ. Trong đó quan trọng nhất tiếp cận các nguồn tín dụng lãi suất thấp trong đầu tư và sản xuất”.


Bà Ma Thị Thúy, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị sớm ban hành những cơ chế phát triển kinh tế vùng, liên vùng, trong đó chú ý vùng động lực kinh tế để tạo sự đột phá, lan tỏa trong cả nước. Mặt khác có cơ chế đặc thù cho vùng miền đặc biệt khó khăn như miền núi, vùng thiên tai để thu ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.


Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2016, mục tiêu năm 2017.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác