(VOV5)- Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối khu vực Mê Công phục vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015.
|
Ảnh: Nhật Bắc |
Tối 12/11, tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar), diễn ra Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 6 với sự tham dự của lãnh đạo các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản. Hội nghị ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường kết nối khu vực Mekong phục vụ xây dựng Cộng đồng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2015, trong đó chú trọng phát triển các hành lang kinh tế và các tuyến đường mới gắn kết tiểu vùng Mekong với tiểu lục Ấn Độ; xây dựng “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong” nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh giữa tiểu vùng Mekong và Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nghiên cứu khả thi việc hình thành các tuyến đường mới kết nối Hành lang Kinh tế phía Nam và Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tiểu lục địa Ấn Độ và khu vực Nam Á. Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ Ủy hội sông Mekong trong triển khai nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong, trong đó có đánh giá tác động của xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Thủ tướng cho rằng cần tập trung thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương của Nhật Bản với doanh nghiệp và địa phương các nước Mekong trong một số lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, thủy sản, logistics…
|
Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN với từng đối tác - Ảnh: Nhật Bắc |
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao ASEAN với từng đối tác gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Liên hợp quốc và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN - Australia. Trao đổi về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, lãnh đạo các nước nhấn mạnh duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của các đối tác đối với lập trường và nguyên tắc chung của ASEAN. Trước tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng đề xuất cần mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, trước hết là Điều 5 về thực hiện kiềm chế, và sớm đạt được COC có tính ràng buộc ở Biển Đông.
|
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25, chiều 12/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Liên bang Nga Dmitri Medvedev và Thủ tướng Australia Tony Abbott.
Tại cuộc gặp Thủ tướng LB Nga Dmitri Medvedev, hai Thủ tướng nhất trí đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD trong thời gian tới. Hai bên thống nhất sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tích cực hoàn thiện các thỏa thuận dự kiến sẽ ký kết trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bảo đảm chuyến thăm thành công tốt đẹp và đạt kết quả thực chất. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Medvedev chia sẻ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và luôn mong muốn tình hình Biển Đông ổn định.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Australia tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Australia; đánh giá cao việc Australia duy trì Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam và mong muốn Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu./.