(VOV5) - Nhận định chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Nga, Vladimir Putin và việc Nga-Triều ký Hiệp ước mới là một bước tiến đáng kể trong quan hệ hai nước.
Trong chuyến thăm mới đây (18-19/06) của Tổng thống Nga, Vladimir Putin đến Triều Tiên, Nga và Triều Tiên đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có điều khoản tương trợ phòng thủ. Theo các chuyên gia, Hiệp ước mới cho thấy quan hệ Nga-Triều ngày càng đi vào chiều sâu, tiệm cận cấp độ liên minh và sẽ tác động lớn đến cục diện địa chính trị, an ninh ở Đông Bắc Á và trên thế giới.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Bình Nhưỡng ngày 19/6/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN. |
Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Triều Tiên được Tổng thống Nga, Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un ký tại thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang) của Triều Tiên hôm 19/06. Hiệp ước mới thay thế các Hiệp ước trước đó định hình quan hệ hai nước, như: Hiệp ước về tình hữu nghị và tương trợ lẫn nhau ký năm 1961, Hiệp ước về tình hữu nghị và hợp tác láng giềng thân thiện ký năm 2000, Tuyên bố Moskva 2000 và Tuyên bố Bình Nhưỡng 2001. Chi tiết được giới quan sát chú ý nhất trong Hiệp ước mới là Điều 4 của Hiệp ước quy định “trong trường hợp 1 trong 2 quốc gia rơi vào tình trạng chiến tranh, quốc gia còn lại phải cung cấp trợ giúp quân sự và các trợ giúp khác bằng tất cả phương tiện và không chậm trễ”. Chi tiết này, cộng thêm phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un rằng quan hệ Nga-Triều đã đạt đến một tầm cao mới như một liên minh, khiến không ít chuyên gia cho rằng Hiệp ước mới đã đưa quan hệ Nga-Triều trở lại với cấp độ gần như quan hệ Liên Xô-Triều Tiên trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.
James Acton, đồng giám đốc chương trình nghiên cứu chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) cho rằng Hiệp ước mới cho thấy Nga đã gần như công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân đầy đủ, khác với thái độ thận trọng trước đây. Trong khi đó, Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Á-Âu của Quỹ Carnegie, thì nhận định Hiệp ước mới có thể đặt trọng tâm vào các hợp tác Nga-Triều trong lĩnh vực vệ tinh không gian và tên lửa, một ưu tiên chiến lược mà Triều Tiên đang theo đuổi trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, chuyên gia Edward Howell của Chatham House, đồng thời là Giảng viên chính trị tại Đại học Oxford (Anh), nhận định điều khoản 2 nước trợ giúp lẫn nhau trong tình huống bị tấn công trong Hiệp ước không nói rõ quy mô 1 trong 2 nước bị tấn công ở mức nào thì điều khoản sẽ được kích hoạt, đồng thời cũng không nói rõ sự trợ giúp “quân sự” được triển khai ở mức độ nào, có trực tiếp đưa quân tham chiến hay chỉ cung cấp vũ khí... Theo Howell, điều này xuất phát từ việc Triều Tiên hiện đang chịu nhiều lệnh trừng phạt về vũ khí của Liên hiệp quốc, đồng thời Nga-Triều cũng có thể muốn giữ một sự mập mờ chiến lược với điều khoản này: “Hiệp ước phòng thủ tương đối mập mờ, đây cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Cả Nga và Triều Tiên đều muốn hạn chế các hành động của Mỹ và Hiệp ước cũng đề cập đến chi tiết thiết yếu là 2 nước sẽ trợ giúp nhau trong tình huống bị tấn công, nhưng điều khoản này hết sức không rõ ràng”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Nhận định chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Nga, Vladimir Putin và việc Nga-Triều ký Hiệp ước mới là một bước tiến đáng kể trong quan hệ hai nước, nhưng Park Won-Gon, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên của trường Đại học nữ sinh Ewha (Hàn Quốc), cho rằng trong ngắn hạn, Nga-Triều Tiên ít có khả năng mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực công nghệ quân sự nhạy cảm nhất: “Tổng thống Putin hồi tháng 9 năm ngoái có nói Nga có thể hợp tác với Triều Tiên trong lĩnh vực vệ tinh và không gian. Vì thế, khía cạnh hợp tác này có thể tiếp tục. Tôi nghĩ rằng ít có khả năng các công nghệ khác, liên quan đến chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa, máy bay chiến đấu hay tàu ngầm hạt nhân, tức là các công nghệ cốt lõi mà Triều Tiên muốn có, sẽ được Nga chuyển giao, bởi Nga không chuyển giao các công nghệ này cho bất cứ quốc gia hay đồng minh thân cận nào từ thời Liên Xô”.
Chia sẻ nhận định này, chuyên gia Jenny Town của Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) cho rằng hiện còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng về hợp tác công nghệ quân sự Nga-Triều sau khi ký Hiệp ước mới, dù Tổng thống Nga, Vladimir Putin tuyên bố không loại trừ khả năng này. Theo Jenny Town, tầm quan trọng của Hiệp ước mới đối với Nga và Triều Tiên trước hết là ở khía cạnh chính trị, khi hai quốc gia thống nhất được quyết tâm chung theo đuổi mục tiêu chiến lược là xây dựng một trật tự thế giới mới đa cực, giảm thiểu các sức ép và hành động không thân thiện từ phương Tây. Trong các phát biểu chính thức, cả Tổng thống Nga, Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un cũng đều khẳng định Hiệp ước mới phù hợp với bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới và trong khu vực đang chuyển biến sâu sắc, đồng thời hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào. Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un tuyên bố: “Tôi tin chắc rằng Hiệp ước mạnh mẽ mà 2 nước ký kết hoàn toàn có tính xây dựng, hướng về tương lai, mang tính chất hòa bình và phòng thủ, với mục đích thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích căn bản của người dân 2 nước, và sẽ là lực đẩy cho việc tạo ra một thế giới mới đa cực, tự do, không phải chịu đựng sự thống trị và độc đoán đơn phương”.
Tuy nhiên, về lâu dài hầu hết giới quan sát cho rằng Hiệp ước mới sẽ có tác động lớn đến các tính toán địa chính trị và an ninh tại khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới. Việc Nga-Triều thống nhất trợ giúp lẫn nhau trong tình huống bị tấn công, dù không nêu rõ sự trợ giúp này có tính chất ra sao, chắc chắn sẽ buộc các nhà hoạch định quốc phòng Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và cả châu Âu phải tính toán kỹ, trong bối cảnh căng thẳng đang có dấu hiệu gia tăng trên bán đảo Triều Tiên đồng thời xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Theo Victor Cha, Phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu châu Á và Hàn Quốc của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, việc diễn giải các điều khoản trong Hiệp ước ra sao là rất quan trọng vì Nga-Triều có thể diễn giải Hiệp ước tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, qua đó có thể hành động một cách linh hoạt.