(VOV5) - Các căng thẳng liên quan đến yếu tố tôn giáo trong tháng Ramadan có thể khiến nguy cơ xung đột bùng phát nghiêm trọng hơn.
Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo chính thức bắt đầu từ tuần này. Theo giới quan sát, trong bối cảnh xung đột tại Gaza chưa tìm được lối thoát, các căng thẳng liên quan đến yếu tố tôn giáo trong tháng Ramadan có thể khiến nguy cơ xung đột bùng phát nghiêm trọng hơn.
Trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, các nghi thức cầu nguyện chiếm vị trí trung tâm. Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Tháng lễ Ramadan năm nay của người Hồi giáo chính thức bắt đầu từ ngày 10/03 và kéo dài đến 08/04. Đây là sự kiện tôn giáo quan trọng nhất trong năm của hàng tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới.
Điểm nóng Al-Aqsa
Trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, các nghi thức cầu nguyện chiếm vị trí trung tâm. Vì thế, bất cứ hành động nào cản trở hoặc cấm đoán việc cầu nguyện của người Hồi giáo, đặc biệt tại các địa điểm tôn giáo linh thiêng, đều có thể châm ngòi cho các xung đột khó kiểm soát. Theo giới quan sát, trong bối cảnh xung đột tại Gaza đang bế tắc, rủi ro căng thẳng leo thang tại Trung Đông tăng cao khi tháng Ramadan đến gần. Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel, Itamar Ben-Gvir tuyên bố năm nay Israel sẽ áp đặt lệnh hạn chế đối với các tín đồ Hồi giáo được vào cầu nguyện tại 2 địa điểm quan trọng tại Jerusalem là Núi Đền và đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, đền thờ linh thiêng thứ 3 đối với các tín đồ Hồi giáo. Tuyên bố này lập tức gây ra các tranh cãi lớn trong cả nội bộ Israel, quốc gia có 18% dân số là người Hồi giáo, lẫn các cộng đồng Hồi giáo trong khu vực. Mặc dù Văn phòng Thủ tướng Israel hôm 05/03 đã ra thông báo cho biết trong tuần đầu của tháng lễ Ramadan năm nay sẽ cho phép số lượng người cầu nguyện đến đền Al-Aqsa bằng với số lượng năm ngoái, nhưng cộng đồng Hồi giáo vẫn lo ngại về việc bị hạn chế cầu nguyện tại đây, khi chính phủ Israel cho biết “đánh giá tình hình an ninh theo tuần”. Trong thời gian qua, chính quyền Israel vốn hạn chế các tín đồ Hồi giáo trẻ và người Palestine ở Bờ Tây đến đền Al-Aqsa và sau khi xung đột Gaza bùng nổ, các công dân Israel gốc Palestine và cư dân Jerusalem cũng bị hạn chế tiếp cận đền Al-Aqsa. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayip Erdogan, hôm 05/03 cảnh báo:“Chúng tôi đã gửi các thông điệp đến các nơi cần thiết, liên quan đến việc ngăn ngừa các hành động khiêu khích. Việc một số chính trị gia cực đoan Israel yêu cầu hạn chế người Hồi giáo đến đền thờ Al-Aqsa là hoàn toàn vô lý. Việc thực hiện bước đi như vậy chắc chắn sẽ đem lại các hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Neomi Neumann, chuyên gia nghiên cứu về Palestine của Viện Washington (Mỹ), bất cứ động thái nào liên quan đến việc ngăn cản các hoạt động cầu nguyện của người Hồi giáo tại đền thờ Al-Aqsa cũng có nguy cơ khiến xung đột tại Gaza lan rộng sang Bờ Tây và thành phố Jerusalem bởi đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa luôn là điểm nóng xung đột giữa các cộng đồng Do Thái và Hồi giáo trong nhiều năm qua. Năm 2000, việc lãnh đạo đối lập Israel khi đó là Ariel Sharon thăm Núi Đền, khu vực linh thiêng của người Do Thái nhưng bao gồm cả đền thờ Al-Aqsa, bị xem là hành động khiêu khích với người Hồi giáo, tạo nên phong trào phản kháng Intifada thứ 2 của Palestine mang tên “Al-Aqsa Intifada”. Tháng 05/2021, đụng độ giữa những người cầu nguyện và cảnh sát Israel tại khu vực đền Al-Aqsa đã bùng phát thành làn sóng bạo lực và châm ngòi cho 1 cuộc chiến nhỏ giữa Israel và lực lượng Hamas, khiến 248 cư dân dải Gaza và 12 thường dân Israel thiệt mạng. Đây chính là vụ đụng độ lớn nhất giữa Hamas và Israel trước khi bùng phát cuộc xung đột quy mô lớn từ tháng 10 năm ngoái.
Gia tăng sự bất mãn của thế giới Hồi giáo
Ngoài điểm nóng xung quanh đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, tình trạng nhân đạo đang ngày càng xuống cấp trầm trọng tại dải Gaza trong tháng lễ Ramadan cũng có thể khiến sự bất mãn gia tăng trong cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới, đặc biệt tại Trung Đông, và có thể được các lực lượng cực đoan ở các bên tận dụng để đẩy mạnh xung đột. Majed al-Ansari, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Qatar, nhận định việc tiếp tục xung đột trong tháng lễ Ramadan có thể khiến căng thẳng leo thang đến ngưỡng không thể quay trở lại, đẩy toàn bộ khu vực vào một cuộc chiến. Chung nhận định đó, Zaha Hassan, nhà nghiên cứu tại Viện Carnegie vì Hòa bình quốc tế, cho rằng thời gian cho các hành động ngoại giao sắp hết và tháng lễ Ramadan được coi là một trong những thời hạn cuối.
Chuyên gia Khaled Elgindy, Giám đốc chương trình Palestine tại Viện Trung Đông (Mỹ), nhận định tháng lễ Ramadan gây áp lực lớn lên các quốc gia Arab bởi tình cảnh khốn khó của người dân dải Gaza trong tháng Ramadan, vốn là quãng thời gian để các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện, suy tưởng và sẻ chia, sẽ tác động lớn đến tâm tư của người Hồi giáo. Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry thừa nhận điều này:“Nếu cuộc xung đột này tiếp diễn trong tháng lễ Ramadan, hậu quả sẽ vô cùng khốc liệt bởi lẽ cảm xúc sẽ bùng cháy, sự bất mãn của thế giới Hồi giáo và Arab, và tất nhiên của cả người dân ở Bở Tây và Jerusalem, sẽ càng nghiêm trọng hơn. Khi đó, chúng ta sẽ càng gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn khi xử lý cuộc khủng hoảng này”.
Theo chuyên gia Joel Braunold, Giám đốc điều hành Trung tâm Abraham vì Hòa bình Trung Đông (Mỹ), các quan chức Mỹ và Israel hiện nay cũng nhận thức rất rõ các rủi ro leo thang xung đột lớn liên quan đến lễ Ramadan, đặc biệt là khi một số lãnh đạo Hamas đang có ý định tận dụng tháng lễ Ramadan để gia tăng sự phản kháng với Israel tại các khu vực khác, đồng thời một số tướng lĩnh cứng rắn của Israel đã đe dọa tấn công thành phố Rafah, được xem là nơi trú ẩn cuối cùng của hơn 1,2 triệu người Palestine tại dải Gaza, trong tháng Ramadan. Vì thế, Braunold cho rằng Mỹ, cùng Ai Cập và Qatar và một số nước khác, đang tìm mọi cách đạt được thỏa thuận ngừng bắn, kể cả sau khi tháng lễ Ramadan bắt đầu.