Phát triển làng nghề gắn với du lịch và hội nhập quốc tế

(VOV5) -  Theo nhận định chung, du lịch làng nghề Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên do phát triển manh mún, tự phát nên chưa thể phát huy lợi thế.


Trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016, hôm nay(30/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức hội thảo “Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế”.


Phát triển làng nghề gắn với du lịch và hội nhập quốc tế - ảnh 1
Thao diễn tay nghề điêu khắc tại khu Làng nghề cả nước với Hà Nội. Ảnh: dangcongsan.vn

Cả nước có hơn 5 nghìn làng nghề và làng có nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm như: Lụa Vạn Phúc, The La Khê, Gốm sứ Bát Tràng, Mộc Kim Bồng, Thổ cẩm Mai Châu….

Theo nhận định chung, du lịch làng nghề Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên do phát triển manh mún, tự phát nên chưa thể phát huy lợi thế. Sản phẩm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế. Bà Trần Thị Ngọc Lan, chủ cơ sở sản xuất lụa cao cấp Lan Sơn, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc chú trọng tăng cường liên kết các tour du lịch giới thiệu về sản phẩm làng nghề, cần có những cơ chế chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như đào tạo kỹ năng khai thác giá trị du lịch làng nghề cho người dân địa phương: “Phát triển làng nghề gắn với du lịch là cơ hội rất tốt cho các làng nghề hiện nay. Với những du khách đến với cơ sở sản xuất của doanh nghiệp sẽ được tham quan các công đoạn sản xuất. Bắt đầu từ se tơ và đến công đoạn cuối cùng là dệt ra vải. Du khách có thể trải nghiệm cùng với các công nhân làm việc tại cơ sở”.

Theo ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Đồng thời là phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng, miền, địa phương trên cả nước: “Gọi là du lịch làng nghề nhưng cũng đồng thời là du lịch về cảnh quan, những thứ ở các quốc gia, đô thị không có thì lại có ở các làng nghề. Cho nên bên cạnh nghề người ta còn có thể khai thác được du lịch để tăng thêm thu nhập”.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về quy hoạch làng nghề, đào tạo lao động, giải quyết việc làm, mẫu mã sản phẩm và quản lý thương hiệu trong phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác