Thông tin biển đảo

(VOV5) - Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn là lễ hội người dân vùng biển còn lưu giữ trở thành nét văn hóa đặc sắc, được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Quảng Ngãi  xây dựng điểm đến di sản văn hoá biển, đảo

Với tiềm năng, lợi thế biển đảo, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Địa phương này định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, trong đó lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm và du lịch sinh thái làm nền tảng.

Thông tin biển đảo - ảnh 1Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân Lý Sơn lưu giữ hàng trăm năm nay - Ảnh: VOV

Đến đảo Lý Sơn dịp này, ngoài cảnh sắc thiên nhiên độc đáo với biển, đảo, núi lửa triệu năm hoang sơ, hùng vĩ, du khách có cơ hội khám phá kho tàng văn hoá độc đáo được dân đảo lưu giữ hàng trăm năm nay, như: Lễ hội cầu ngư, đua thuyền tứ linh, đặc biệt là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa… Đặc biệt là triển lãm “Lý Sơn- Di sản văn hoá biển, đảo” với hàng trăm hiện vật, tư liệu quý. Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: "Qua hoạt động trưng bày này, chúng tôi muốn tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người, những nét văn hoá liên quan đến yếu tố lịch sử, chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước".

Một điểm đến ở thị xã Đức Phổ, nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi đang thu hút khách du lịch đó là Sa Huỳnh. Nơi đây có bờ biển dài tuyệt đẹp với biển xanh, cát vàng, những đồng muối trắng tinh, cuộc sống dân dã của cư dân bản địa, món ăn biển tươi ngon… Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là thị xã Đức Phổ, trước tiên phải bảo quản, giữ gìn các di tích trên địa bàn, nhất là Di tích Quốc gia đặc biệt. Chúng ta phải gìn giữ, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan của khu di tích".

Trong Đề án xây dựng chương trình định vị và phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định giá trị cốt lõi nhất của tài nguyên du lịch chủ đạo là biển, đảo và văn hóa Sa Huỳnh, lấy Lý Sơn làm hạt nhân.

Lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng biển

Ngày 26/5, tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, (Hà Tĩnh), diễn ra Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn. Đây là lễ hội người dân vùng biển còn lưu giữ trở thành nét văn hóa đặc sắc, được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Thông tin biển đảo - ảnh 2Rước linh vị ngư ông ra biển tại lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn - Ảnh: Công Tường/TTXVN

Từ bao đời nay, cuộc sống người dân Cẩm Nhượng gắn liền với biển, mưu sinh từ biển. Những lúc gặp khó khăn, ngư dân luôn tin tưởng vào sự che chở, cứu độ của Ngư Ông, để tự tin vượt qua sóng gió, đưa thuyền về đến bến bờ an toàn. Nơi cửa thiêng của miếu thờ Ngư Ông, tấp nập bà con trên bến dưới thuyền hội tụ về đây để sinh hoạt văn hóa tâm linh và những làn điệu hát hò chèo cạn, cầu cho một năm ra khơi vào lộng, mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn có lịch sử hình thành từ thế kỷ XIV, trở thành ngày hội văn hóa tiêu biểu và ngày càng được tổ chức trang trọng, ấn tượng, với quy mô không chỉ ở cấp địa phương.

Bàn giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển

Ngày 24/5, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước”.

Thông tin biển đảo - ảnh 3Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: dangcongsan.vn

Chương trình trọng điểm cấp Bộ này được thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2020-2024) với mục tiêu “Nghiên cứu tổng hợp các tri thức khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam” nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách đối với biển và đại dương của Việt Nam từ nay đến năm 2035, tầm nhìn 2045 nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hội thảo tập trung làm rõ thực trạng phát triển kinh tế biển ở khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, nơi có điều kiện để khai thác phát triển tiềm năng kinh tế biển theo hướng tổng hợp và bền vững các ngành đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, khai thác khoáng sản biển, giao thông vận tải biển, khu công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo trên biển và phát triển du lịch biển.

Hội thảo sẽ là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, các nhà quản lý có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế biển cùng trao đổi, thảo luận và làm rõ thực trạng phát triển kinh tế biển ở Việt nam nói chung, khu vực Trung Bộ nói riêng, các hạn chế rào cản trong phát triển kinh tế biển, từ đó có những kiến nghị đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác