(VOV5) - Ngày 8/9/2015 Việt nam đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN. Đây là công cụ chính của các cơ quan Chính phủ Việt nam nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quốc tế trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay.
Nghe âm thanh tại đây:
Năm 2014 là năm ngành hải quan tập trung rà soát sửa đổi những thể chế chính sách không phù hợp với thực tiễn phát triển, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Để thực hiện điều đó, ngành hải quan đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng hiệu quả quản trị hệ thống, tăng cường kết nối thông tin giữa các ngành. Cùng với đó ngành hải quan cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư trang thiết bị hiện đại, chấn chỉnh, sắp xếp đội ngũ cán bộ…. Kết quả của nhũng nỗ lực này đã và đang tác động tích cực, tiết kiệm thời gia và chi phí cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục nhập khẩu tại cảng biển và cửa khẩu ở Việt Nam hiện vẫn là 21 ngày, cao hơn so với một số nước như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Mục tiêu đặt ra cho ngành Hải quan là đến cuối năm 2016 sẽ giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày. Đây là chỉ số ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN-4, giảm đáng kể thời gian làm thủ tục hải quan so với hiện nay. Bà Lê Như Quỳnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hải quan, Tổng Cục Hải quan cho biết: Trong thời gian tới, ngành hải quan tập trung 3 giải pháp lớn, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp: “Thứ nhất chúng tôi thực hiện đề án nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành. Tập trung trước mắt là hoàn thiện thể chế chính sách kiểm tra chuyên ngành, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực…Những vấn đề gì liên quan đến thực hiện chuẩn mực và thông lệ quốc tế thì tập trunng 5 cửa khẩu và cảng biển lớn như Hải Phòng, TPHCM, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Thứ hai 2 là thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Thứ 3 là tiếp tục triển khai hải quan hiện đại, trong đó quản lý rủi ro, quản lý sau thông quan, chống buôn lậu”.
|
Ảnh: các đại biểu dự Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23. Ảnh theo vlr.vn |
Đến nay cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối với các bộ: Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải. Theo đó, thủ tục hải quan được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên toàn quốc Đến hết tháng 8 vừa qua đã có trên 1.900 doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên cổng thông tin một cửa quốc gia, trên 1.600 hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ cũng đã được xử lý trên công cụ này. Thứ trưởng Bộ tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cho biết: “Trong Luật hải quan đã đưa vào quy định về một cửa quốc gia, chúng tôi đã có thông tư liên tịch đến các Bộ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các chứng từ điện tử, kể cả giấy phép, kiểm tra chất lượng hàng hoá cũng đều ứng dụng điện tử. Các doanh nghiệp không phải đi đến các cơ quan đầu mối, do đó giảm được thời gian và trong bộ hồ sơ hải quan chỉ cần một tờ khai hải quan duy nhất, mà không cần chứng từ gì khác” .
Thời gian tới cơ chế một cửa quốc gia sẽ tiếp tục mở rộng kết nối với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng với việc tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia, Việt nam cũng đã chính thức thực hiện kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN và là một trong 7 thành viên ASEAN đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. Đây cũng là bước ngoặt cho việc thực hiện cải cách hành chính ở Việt nam, đồng thời tiến tới mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả hiệu lực và chủ động hội nhập quốc tế. Phó Thủ tướng chính phủ Việt nam, Vũ Văn Ninh nêu rõ: “Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thủ tục hành chính đơn giải, thuận lợi theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy thương mại, du lịch, đầu tư; khẳng định quyết tâm, tích cực, chủ động của Việt Nam trong thực hiện các cam kết cùng các nước trong khu vực hiện thực hóa việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay”.
Thời gian tới , các bộ, ngành liên quan ở Việt nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo các điền kiện cần thiết để kết nối đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN. Cùng với đó củng cố, hoàn thiện và mở rộng triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các lĩnh vực, các quốc gia trong ASEAN, nhất là đối với các phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh đạt trình độ ngang tầm với các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Đối với trong nước, tiếp tục rà soát, nội luật hóa những quy định phù hợp với các cam kết quốc tế, từng bước mở rộng việc kết nối với các quốc gia khác trên thế giới.