Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã chính thức được ký kết. Đây sẽ là cơ hội để 11 nước thành viên bao gồm Việt Nam thúc đẩy thương mại và phát triển đất nước. CPTPP cũng là biểu hiện của một trình độ mới của Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế. Phạm Huân, phóng viên thường trú Đài TNVN, phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ngay sau lễ ký kết hiệp định:
Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh ký CPTPP |
PV: Thưa Bộ trưởng, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyê Thái Bình Dương đã được chính thức ký kết, cảm giác của ông lúc này thế nào ạ?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cũng giống như là khi chúng ta đã rất tập trung và đã có những nỗ lực cho những mục đích rất rõ ràng, cũng như là quyết tâm của chúng ta và khi chúng ta đạt được kết quả cuối cùng và đúng như là theo kế hoạch cũng như là đạt được mong muốn của chúng ta thì quả thực tâm trạng của tôi lúc này cảm thấy rất là dễ chịu và rất hài lòng. Vui mừng đồng thời chúng ta cũng biết rằng còn rất nhiều việc phía trước nhưng đến lúc này có thể nói là tất cả chúng ta đều rất hài lòng về kết quả của cả một chặng đường liên tục của nỗ lực không ngừng của chúng ta cũng như của các nước đối tác trong CPTPP.
PV: Để có được ngày hôm nay, Hiệp định CPTPP đã phải trải qua một quá trình đàm phán lâu dài và khó khăn và Việt Nam đã đóng góp một phần rất quan trọng trong quá trình này cộng với nỗ lực của các nước thành viên khác, xin Bộ trưởng khái quát lại quá trình này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quả thực là hiệp định CPTPP mà trước kia là hiệp định TPP 12 là một hiệp định chất lượng rất cao. Điều đó đồng nghĩa với quá trình đàm phán giữa các quốc gia tham gia hiệp định này có thể nói là rất căng thẳng và phức tạp và kéo dài.
Điều hoàn toàn không đơn giản khi mà ngay cả những nước đầu tiên là những nước sáng lập bao gồm cả Hoa Kỳ đã đều kỳ vọng và đặt rất nhiều yêu cầu trong tiêu chuẩn cao của hiệp định và vì vậy khi mà các nước TPP 12 bao gồm cả Hoa Kỳ đạt được thống nhất về kết thúc các cuộc đàm phán thì có thể nói chúng ta cũng rất hài lòng và cũng tưởng chừng là đi đến điểm cuối của hiệp định khi đàm phán nhưng đã xảy ra sự cố khi Tổng thống Đônan Trăm tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định TPP 12 và lại là một quá trình thử thách mới khi mà cả 11 nước đã quyết tâm xác định lại những mục tiêu của mình nhưng quyết tâm và xác định lại mục tiêu của mình chưa đủ. Vấn đề là cả một quá trình rất vất vả cho tất cả các quốc gia của TPP 11, (bây giờ tức là CPTPP) phải xác định lại những điểm cân bằng mới cho các quốc gia này khi tham gia TPP 11.
Như vậy có thể nói các nước trải qua một nỗ lực rất quyết liệt và mạnh mẽ để có thể đạt đến hội nghị Bộ trưởng TPP tại Đà Nẵng vào tháng 11 và đến lúc đó cũng là một sự cố hi hữu khi mà tất cả các bộ trưởng cũng đã thống nhất về nguyên tắc cơ bản kết thúc những trao đổi và đàm phán TPP 11 và thông qua để báo cáo lên lãnh đạo cấp cao cho việc ký kết cuối cùng và đúng như tôi vừa nói đó lại là hi hữu xảy ra khi có sự cố ở phút cuối và các nguyên thủ của TPP 11 đã không thể ký kết hiệp định tại Đà Nẵng do còn có những vấn đề khúc mắc ở trong nội bộ mỗi quốc gia. Vì vậy chúng ta lại bước vào một chiến dịch mới rất là căng thẳng với nỗ lực quyết tâm cao. Trong đó phải khẳng định các quốc gia đều có nỗ lực lớn, đặc biệt phải kế đến quốc gia như Nhật Bản, nước chủ nhà của APEC 2017 là Việt Nam cũng như một số nước khác như Chile, Niu Dilân, Ôxtrâylia, vv.
Trong thời gian rất ngắn từ tháng 11 năm 2017 khi chúng ta kết thúc hội nghị cấp cao ở Đà nẵng và cũng là kết thúc Hội nghị bộ trưởng TPP ở Đà Nẵng với tuyên bố là sẽ tiếp tục quyết tâm cho CCTPP thì đến nay trong vòng chưa đầy 3 tháng, chúng ta đã có thể đạt kết quả tích cực là có mặt tại đây và như vậy một quá trình rất rất gian truân vất vả vì những diễn biến phức tạp nhưng đồng thời cũng có kết thúc tạm gọi là kết thúc có hậu.
Các Bộ trưởng chụp ảnh chung cùng Tổng thống Chile Michelle Bachelet. |
PV: Hiệp định CPTPP đã được chính thức ký kết mặc dù không có sự tham gia của Mỹ, vậy theo Bộ trưởng, vì sao các nước thành viên khác vẫn quyết tâm ký Hiệp định và ngay cả nhiều nước khác cũng bảy tỏ mong muốn gia nhập hiệp định này ngay cả khi không có Mỹ?.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước tiên chúng ta phải nói rằng khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định TPP 12 thì cả 11 quốc gia còn lại của TPP đều hiểu và nhận thức rất rõ là có sự thay đổi rất lớn, đặc biệt là liên quan đến lợi ích của các nước khi tham gia bản hiệp định này, không còn một nền kinh tế quy mô như Hoa Kỳ tham gia.
Thế nhưng điều chúng tôi rất hài lòng là tất cả các quốc gia còn lại của TPP 11 lúc đó đều đánh giá rất cao về chất lượng của các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như TPP và có thể nói là đều hiểu rằng cái lợi ích mà các quốc gia nhận được không chỉ là lợi ích trước mắt và đơn thuần về thương mại trong việc dỡ bỏ các hàng rào quan thuế và cũng như một số lĩnh vực khác về kinh tế mà vấn đề cơ bản là những động lực mà Hiệp định này sẽ mang lại cho sự phát triển của bản thân mỗi nước trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội. Đây là điều cơ bản tạo nên sức hút cho các quốc gia đang tham gia TPP 11 cũng như cho nền kinh tế các quốc gia khác mà trong tương lai rất có thể sẽ sớm hoặc vào giai đoạn phù hợp để gia nhập vào TPP 11 (tức là CPTPP) hiện nay.
Điều chúng tôi đã phân tích rất kỹ và cũng báo cáo chính phủ và cũng đã có sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt, đó là Việt Nam với tư cách là quốc gia độc lập và có chủ quyền cao trong các hoạt động chính trị đối ngoại cũng như về kinh tế của mình vẫn đang tiếp tục chủ trương chính sách là đa phương hóa và đa dạng hóa về các quan hệ thương mại cũng như về kinh tế để phục vụ cho chủ trương bảo vệ độc lập chủ quyền của chúng ta.
Chính vì vậy ở đây TPP 11 (tức CPTPP) cũng chính là một bước cụ thể của đảng và nhà nước ta để cụ thể hóa chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác của chúng ta. Trên thực tế chúng ta thấy rất rõ trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn biến phức tạp mặc dù dòng chảy chính của nó vẫn là tiếp tục tự do hóa thương mại và thuận lợi hóa thương mại nhưng đã có những dấu hiệu, biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập, cản trở và tác động không thuận lợi đến dòng chảy của toàn cầu hóa theo hướng tôi nói ở trên thì việc chúng ta thực thi một cách quyết tâm và nhất quán chủ trương chiến lược của đảng, chính sách của chúng ta trong hội nhập sâu và rộng thì chắc chắn sẽ là cơ hội và đồng thời là công cụ, biện pháp để chúng ta thực hiện chiến lược về đối ngọai đó của chúng ta.
Thời gian vừa qua, với những kinh nghiệm quý báu và thành quả chúng ta đạt được trong mở cửa nền kinh tế, thực hiện chủ động hội nhập thì đây cũng là minh chứng rất rõ nét để chúng ta có cơ sở, niềm tin cho chiến lược hội nhập sắp tới của chúng ta vẫn tiếp tục theo hướng chủ động hội nhập sâu và rộng. Vì vậy CPTPP chính là biểu hiện của một trình độ mới của Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế. Đặc biệt với vị thế chúng ta là nước sáng lập CCTPP chúng ta đã đạt được rất nhiều mục đích mà chúng tôi đã nói trong phần nhận định trước. Một là về chính trị đối ngoại chúng ta khẳng định là nước có vị thế ngày càng tăng trong các diễn đàn chính trị song phương đa phương ở khu vực cũng như quốc tế và đặc biệt về những lợi thế của chúng ta trong hội nhập như thế này, chúng ta đã khẳng định được vị thế chính trị địa vị của chúng ta trong sân chơi chung của toàn cầu. Thứ hai khi chúng ta hội nhập vào CPTPP, thì về mặt thể chế, chúng ta có những điều kiện để hoàn thiện một nhà nước pháp quyền của chúng ta và nền kinh tế mà năng lực cạnh tranh ngày càng cao dựa trên nền tảng của minh bạch hóa, công khai hóa cũng như thuận lợi hóa cho các hoạt động thương mại theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Chúng ta là 1 nước sáng lập CPTPP nên khi bất kì các nền kinh tế sau này khi muốn gia nhập hiệp định thì chúng ta có những điều kiện bảo vệ cũng như tiếp tục tối đa hóa những lợi ích của chúng ta khi xem xét các quốc gia, nền kinh tế mới gia nhập.
Điều cuối cùng quan trọng nhất là những lợi ích về kinh tế thương mại gắn cùng với các lợi ích mang tính chiến lược lâu dài về cải cách thể chế của chúng ta. Những lợi ích thiết thực trước mắt mang lại cho các ngành kinh tế như là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm thủy sản, nông sản đều là những ngành kinh tế quan trọng của chúng ta trong giai đoạn phát triển hiện nay và trong tương lai và chắc chắn sẽ là điều kiện để chúng ta tiếp tục cất cánh ở mức độ mới cao hơn ở những trị trường mới và tiềm năng.
PV: Thưa Bộ trưởng, những ưu tiên trước mắt và kế hoạch lâu dài của chúng ta để có thể tận dụng được lợi thế cũng như thực hiện các cam kết trong CPTPP ra sao ạ?.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngay trong suốt quá trình đàm phán cũng như quá trình ký kết này, các quốc gia cố gắng kết thúc đàm phán sớm cũng như nỗ lực thống nhất sớm đưa hiệp định vào hiệu lực. Các quốc gia mong muốn cuối 2018, đầu năm 2019 hiệp định có thể đi vào hiệu lực, vì khi hiệp định đi vào hiệu lực, nó sẽ thúc đẩy sự cải cách của mỗi quốc gia , tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân của mỗi quốc gia trong CPTPP có điều kiện thụ hưởng những thuận lợi và những cơ chế chính sách ưu đãi của hiệp định này dành cho nhau. Chính phủ chỉ đạo sau khi ký kết CPTP, việc đầu tiên cần làm là Bộ Công thương phải xây dựng một chương trình hành động để báo cáo, trình quốc hội.
Cùng với việc quốc hội phê chuẩn hiệp định CPTPP thì chúng ta sẽ có chương trình hành động được chính phủ ban hành để xác định rõ những nội dung nhiệm vụ cần làm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải rà soát pháp lý để thực hiện các cam kết hội nhập. Thứ hai là tổ chức công bố và cung cấp thông tin đầy đủ và thực hiện các hoạt động tuyên truyền giới thiệu về hiệp định CPTPP cho tất cả chủ thể hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó lưu ý vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức triển khai thực hiện cũng như vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận nội dung, những thách thức yêu cầu của Hiệp định CPTPP để các doanh nghiệp đưa vào chương trình hành động của mình. Các bộ ngành cần có trách nhiệm ví dụ từ Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bô Nông nghiệp phát triển nông thôn và hàng loạt cơ quan quan trọng khác. Không chỉ các cơ quan của nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta phải xác định, thấu hiểu rõ những nhiệm vụ tổ chức thực thi hiệp định CPTPP.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam!.