(VOV5) - Doanh nghiệp Nhà nước đã khẳng định được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế
Hôm nay 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, quy mô vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đều tăng. Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 92% so với năm 2011, quy mô tổng tài sản là trên 3 triệu tỷ đồng, tăng gần 46% so với năm 2011.
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh). Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết: Tính đến 31/12/2016 sau khi cơ cấu lại, còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp Nhà nước đã khẳng định được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội: Doanh nghiệp Nhà nước chuyển dịch theo hướng tập trung vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước đi đầu trong đầu tư, chuyển giao công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế, bình ổn thị trường… Việc bảo toàn và tăng trưởng vốn đạt được những kết quả khích lệ; nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực, hầu hết đều có lãi và số lãi tăng. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 1,516 nghìn tỷ đồng. Việc hoạt động đầu tư ra nước ngoài được triển khai tích cực, tính đến cuối năm 2016, có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện 110 dự án với tổng mức đầu tư 12,6 tỷ USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thảo luận tại hội trường, ý kiến của các đại biểu đánh giá công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được quan tâm tích cực; việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản nhà nước, là nguồn lực rất quan trọng, được quản lý sử dụng từng bước có kỷ cương chặt chẽ hơn. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; làm tốt công tác quản lý doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản công.